Sau khi tái cấu trúc, tách ra độc lập và được nâng cấp thành một Tổng công ty thì nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của MobiFone chính là cổ phần hóa.
"Cổ phần hóa không phải là nhiệm vụ riêng của MobiFone mà còn là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong nhiệm kỳ này", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh. Để dẫn chứng, ông cho biết rất nhiều đối tác trong và ngoài nước đều quan tâm đến việc mua lại cổ phần của MobiFone. Nhiều doanh nghiệp viễn thông của Úc, Nhật Bản, châu Âu đã "đánh tiếng" với Bộ, và ngay cả các cơ quan kiểm toán cũng rất quan tâm, giám sát tiến trình cổ phần hóa này, nhất là sau khi MobiFone trở thành Tổng công ty xếp hạng đặc biệt.
Chính vì thế, áp lực mà MobiFone cũng như Bộ TT&TT đang phải đối mặt là rất lớn. "Chúng ta phải làm chặt chẽ, thận trọng, đạt chất lượng cao. Quan trọng nhất là phải rõ ràng, minh bạch, đúng quy định".
Sau 10 năm vướng mắc chưa thể triển khai, áp lực về mặt thời gian là áp lực hiển nhiên, dễ nhận thấy nhất. Theo kế hoạch ban đầu, căn cứ vào Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp, MobiFone và một số doanh nghiệp khác sẽ phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong quý 2/2015, công bố giá trị doanh nghiệp trong quý 3/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý 4/2015.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, nhiệm vụ cổ phần hóa không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ và thời gian, mà mục đích cuối cùng vẫn là làm sao đạt kết quả tối ưu nhất, thu về nguồn vốn lớn nhất từ xã hội, cả trong lẫn ngoài nước, đồng thời phải nâng cao được vai trò, vị thế của MobiFone, tạo điều kiện để thương hiệu MobiFone ngày càng phát triển, lan tỏa hơn.
"Chúng ta không cổ phần hóa MobiFone bằng mọi giá, không bán lấy được mà phải mang về lợi ích cao nhất cho Nhà nước, cho Tổng công ty", Bộ trưởng nêu rõ quan điểm.
Hiện tại, MobiFone vẫn đang làm việc với công ty tư vấn cũ là Credit Suisse. Nếu đủ điều kiện, công ty này có thể được chọn để không mất thời gian đấu thầu lại từ đầu, song nếu không đủ điều kiện thì MobiFone vẫn cần tổ chức đấu thầu, tìm kiếm đối tác tư vấn mới theo đúng quy định. Đối với phương diện này, lãnh đạo Bộ cho rằng MobiFone có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều Tổng công ty lớn khác cũng đã cổ phần hóa như Vietnam Airlines, vốn tìm được đối tác tư vấn rất hợp lý. MobiFone vẫn có thể tiếp tục đàm phán cùng Credit Suisse, nhưng đồng thời cũng cần phân tích rõ các phương án để chọn ra phương án tối ưu nhất.
Trong trường hợp của MobiFone, dù chưa cổ phần hóa thì Tổng công ty vẫn đang hoạt động bình thường: Lợi nhuận vẫn tốt, thị phần cao, vẫn đang tăng trưởng đều đặn và mới đây vừa được xếp hạng Tổng công ty đặc biệt. Do đó, "đảm bảo tiến độ cổ phần hóa nhưng ưu tiên cao nhất vẫn là lợi ích, là hiệu quả lâu dài của Nhà nước, của doanh nghiệp", Bộ trưởng kết luận.
Theo VNN