Tuy nhiên, điều đó không thuyết phục được mọi người, mà ngược lại, trong tâm trí những người đang theo đuổi lợi ích vì sức khỏe của nhân dân, những lập luận ấy chỉ là sự cô đơn và lạc lõng giữa tâm thế của nhân dân và đất nước.
Trong những bài viết của mình, họ đề nghị tất cả những hệ lụy phải được đánh giá đầy đủ và xem xét một cách toàn diện... Nhưng chẳng lẽ họ quên rằng, các đại biểu Quốc hội đang nỗ lực và gắng sức soi rọi qua từng ngõ ngách về tác hại của rượu bia, cũng như những số liệu thực tế không thể sinh động và thuyết phục hơn, thì đó vẫn chưa phải là cách đánh giá đầy đủ và xem xét một cách toàn diện?
Và, họ tiếp tục bác bỏ những nghiên cứu khoa học. Họ chối từ những tấm lòng vì sức khỏe nhân dân và cố vùi dập những trăn trở của bao người luôn đặt sức khỏe của cộng đồng, nhân dân lên hàng đầu vốn là một trong những thước đo cho phẩm chất và đạo đức của một con người.
Những gì mà họ đề cập suốt thời gian qua phải chăng là những “giá trị” mà Hiệp hội này đang ra sức gầy dựng và bảo vệ?
Bệnh nhân bị ung thư gan có liên quan đến lạm dụng rượu phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
|
Hình ảnh ngật ngưỡng triền miên trong cơn say của Chí Phèo qua những trang sách của Nam Cao không chỉ là nỗi ám ảnh đến kinh hoàng của dân làng Vũ Đại ngày ấy, mà còn vạch trần bản chất thâm độc của chế độ thực dân lúc bấy giờ. Trong bài viết “Rượu trong sử và văn học Việt Nam”, tác gia Trần Hữu Nghiệp cho biết quốc sách của thực dân và đế quốc ngày trước “là cổ động cho cái say sưa, để với một mũi tên bắn trúng ba đích: mê dân, ngu dân bản xứ để bắt họ dễ dàng làm tay sai cho chế độ, củng cố nền thống trị và vơ vét làm giàu. Trong Bản án chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: “Nhà nước bảo hộ định mức mỗi đầu người là 7 lít rượu ty một năm; trẻ em còn bồng bế chưa uống được thì cha mẹ phải uống thay”. Định mức tiêu thụ này phân bổ xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống tổng, xuống xã. Ở một ngàn làng, có hơn 1.500 đại lý rượu “bài nhì”, “bài ba” trong khi chỉ có 10 trường học chưa hết cấp I. Xã nào bán không đủ và vượt định suất rượu ty, tức là có chứa rượu lậu, lý trưởng, chánh tổng bị quở phạt, tri huyện lâu lên chức thậm chí bị trừng phạt. Bọn “tào cáo” dọa dẫm, lục soát và đây là những dịp tốt để phao rượu lậu mà hại nhau, cướp vườn, giựt vợ, mua con kẻ đi tù làm thiếp hầu hay tôi tớ”. “Nhờ vậy mà nếu năm 1931, sản xuất được tính ra rượu nguyên chất là gần 50 triệu lít rượu ty đem lại cho Nhà nước thực dân gần 5 triệu đồng tiền thuế thì đến năm 1942, thuế quan do rượu ty đem lại là hơn 13 triệu đồng tức gần 120 triệu lít rượu phải uống”.
Dã tâm đó của thực dân hòng “ngâm” tinh thần dân tộc trong những cơn say chếnh choáng, quên đi thân phận thuộc địa và ngày nay nó biến thể thành một hình thái tư duy khác: Vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà chấp nhận sự khinh bỉ của xã hội bởi sự mục ruỗng của đạo đức, sẵn sàng bẻ cong thực tế, bài bác khoa học, để cổ súy cho những cơn say và quên đi thân phận con dân của một nước còn nghèo và lạc hậu?
Theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp lần này, không khó để bắt gặp những suy tư của nhiều đại biểu Quốc hội về sự phát triển của đất nước. Trong khi tăng trưởng của quốc gia còn phụ thuộc rất nhiều vào ngoại lực và cố gắng gia cố nội lực, thì việc buông lỏng tính sẵn có của rượu bia là gây nghiện và độc hại phải chăng là sự tiếp tay để kéo giảm năng suất lao động, làm yếu giống nòi của đất nước?
Vì sao hết lần này đến lần khác Hiệp hội rượu, bia cố nài ép người Việt phải uống bia, rượu? Dòng máu đang chảy trong huyết quản của hơn 90 triệu người Việt Nam đã được các bậc tiền nhân đánh đổi từ máu, xương hàng ngàn năm, thì lẽ ra từng con dân phải nhận thức rằng trách nhiệm của chính mình là phải ra sức bảo vệ và làm cho giống nòi ngày càng phát triển. Ngược lại, những luận điệu hòng làm Luật suy yếu đi, có phải đang cố tình vấy bẩn dòng máu đang chảy trong chính con người mình? Vì đâu cũng cùng chung một dòng máu, một tiếng nói, cùng sinh ra trên mảnh đất này nhưng họ lại đang đi ngược chiều lợi ích của nhân dân và đất nước?
Hẳn họ và những ai đang cổ súy cho những luận điệu của họ sẽ mở sâm panh để ăn mừng trong trường hợp Luật được ban hành theo những gì mà họ mong muốn? Có điều khi ấy nó chỉ chứng tỏ những giá trị và niềm tin về chính nghĩa trong cuộc chiến tư duy này dường như đang thoi thóp giữa bùn nhơ của xã hội.
Giờ đây khi Hiệp hội càng cố gắng phản biện và sự phản biện đó còn được bao che qua những điều khoản cố tình mập mờ trong dự thảo Luật PCTHRB, thì điều duy nhất đọng lại trong tâm thức của không ít người chỉ là sự rẻ rúng, ghẻ lạnh đến bất nhẫn của lương tri.
Vì sao những nước phát triển với tầng văn hóa, nhận thức rất dày của người dân mà họ còn phải siết chặt các biện pháp hòng hạn chế đến mức thấp nhất tính sẵn có của rượu bia, thì ở một đất nước còn nghèo và lạc hậu, nhận thức của người dân đây đó vẫn còn hạn chế thì tính sẵn có của rượu, bia lại được không ít người sẵn sàng bước qua danh dự, phẩm chất đạo đức cơ bản của con người để bảo vệ quyết liệt như thế?
Xin mượn lời của tác gia Trần Hữu Nghiệp để khép lại bài viết này: “Bởi vì như thế mà tự hủy diệt mình, đồng thời cũng hủy diệt gia đình và đắc tội với dân tộc. Có những bằng chứng khoa học để khẳng định như vậy, và chúng ta cần phổ biến để góp phần lau sạch vết xấu trong tiềm thức nhiều người”.
Lẽ ra ngay lúc này đây phải tỉnh thức lòng tự tôn dân tộc của từng con người trong một đất nước còn nghèo nàn để cùng nhau đón chờ bình minh của 100 năm ngày thành lập nước...
(Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, điều phối Liên minh NCDs-Việt Nam)