Chuyến tàu đêm của một người Việt kiến tạo Gmail

(VietTimes) - Christopher Cường Nguyễn rời Việt Nam mùa hè năm 1978, khi mới 13 tuổi. Đó là một đêm hè không trăng. Cả nhà, gồm bố mẹ, Nguyễn và bốn chị gái cùng hơn 30 người khác lên một con thuyền xuôi theo dòng Mekong ra đến biển, vào giữa mùa biển động.
“Làm thế nào để gây dựng nên một công ty có thể phục vụ một tỷ người và hơn thế nữa?".
“Làm thế nào để gây dựng nên một công ty có thể phục vụ một tỷ người và hơn thế nữa?".

Cậu bé họ Nguyễn ôm khư khư trong tay chiếc la bàn khi con thuyền chòng chành giữa những cơn sóng lớn. Có lẽ nhờ chiếc la bàn và vận may đến khó tin, con thuyền đã cập bến Malaysia sau ba ngày lênh đênh trên biển.

Chuyến đi đánh cược sinh mạng hơn bốn mươi năm trước chính là khởi đầu cho hành trình đến “trung tâm công nghệ thế giới” - Thung lũng Silicon - của doanh nhân gốc Việt nổi tiếng, Christopher Nguyễn, Chủ tịch, CEO của Công ty Arimo, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) hiện nay.

Cậu bé người Việt ngày nào còn ngơ ngác đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nay đã có một sự nghiệp khiến nhiều người mơ ước với ba dự án khởi nghiệp thành công. 

Ghi dấu ấn với sản phẩm Gmail khi còn là giám đốc kỹ thuật của Google Apps, giờ đây Christopher Nguyễn đang cùng các cộng sự tại Arimo tiếp tục phát triển dự án đầy tham vọng mang tên Enterprise Brain (Bộ não Doanh nghiệp), cung cấp nền tảng và giải pháp cho doanh nghiệp dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. 

Christopher Nguyễn trao đổi với các bạn trẻ Việt Nam về tương lai của Trí tuệ nhân tạo (AI) vào tháng 3/2019 tại TP.HCM.
Christopher Nguyễn trao đổi với các bạn trẻ Việt Nam về tương lai của Trí tuệ nhân tạo (AI) vào tháng 3/2019 tại TP.HCM.

Chiếc la bàn AI

Khi mô tả về những gì đang làm tại Arimo, Christopher Nguyễn hay kể lại chuyến phiêu lưu qua vịnh Thái Lan thuở nào. Cũng giống như chiếc la bàn đã giúp Nguyễn định vị con thuyền giữa những con sóng cao quá đầu người, ông tin rằng những sản phẩm của Arimo có thể giúp chủ doanh nghiệp, các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư công nghệ lựa chọn được hướng đi cho doanh nghiệp của mình. 

"Chúng tôi muốn nâng tầm tư duy của con người thông qua trí tuệ nhân tạo", Christopher Nguyễn chia sẻ.

Phần mềm Trí tuệ nhân tạo dựa trên hành vi của Arimo có khả năng khai thác hành vi của máy móc, thiết bị, khách hàng và các chủ thể khác nhằm cung cấp các dự báo chính xác nhất.
Nhờ đó, các công ty hàng đầu có thể giành lợi thế cạnh tranh thông qua những dự báo chính xác về các xu hướng mới và cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng. 

Tham vọng xây dựng “chiếc la bàn cho doanh nghiệp” này của Christopher Nguyễn được nung nấu từ những năm làm việc cho Google, khi ông giúp tập đoàn công nghệ khổng lồ này phát triển Gmail và các ứng dụng khác. 

Google cho phép thực hiện những tìm kiếm mà bất cứ ai cũng làm được, nhưng Nguyễn luôn thắc mắc liệu điều tiếp theo sẽ là gì? Ông tin rằng, các nhân viên sẽ sớm có nhu cầu truy cập sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data) của doanh nghiệp bằng ngôn ngữ thường ngày.

Lúc đó, họ sẽ muốn thực hiện thao tác chỉ bằng cách đặt câu hỏi hoặc gõ câu lệnh tiếng Anh đơn giản. Về cơ bản, điều này cũng giống như cách mọi người dùng Google.

Bằng cách khai thác phần mềm xử lý thông tin từ các hệ thống bộ nhớ của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn máy tính phân tán, thay vì dựa vào cách lưu trữ ổ cứng kiểu cũ, Arimo cung cấp cho người dùng các sản phẩm có tính năng quản lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn, như cách của Google, Facebook đang làm. 

Arimo nhanh chóng huy động được khoảng 13 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Arimo nhanh chóng huy động được khoảng 13 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Nguyễn chia sẻ, làm việc cho Google ông mới hiểu cách phục vụ cho hàng trăm triệu người. Điều này đã hình thành nên tầm nhìn dài hạn của ông đối với Arimo: “Làm thế nào để gây dựng nên một công ty có thể phục vụ một tỷ người và hơn thế nữa, dù có phải mất nhiều công sức thế nào đi nữa?”.

Không có gì ngạc nhiên khi tầm nhìn này và tâm huyết của Christopher Nguyễn đã chinh phục được nhiều khách hàng và nhà đầu tư lớn. Cách đây 4 năm, ngay trong lần gọi vốn đầu tiên, Adatao (nay là Arimo), start-up do Tiến sĩ Christopher Nguyễn và Tiến sĩ Thông Đỗ đồng sáng lập đã gây xôn xao giới đầu tư và khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

Arimo nhanh chóng huy động được khoảng 13 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư huyền thoại Andreessen Horowitz - những người đã từng rót vốn vào Twitter, Facebook, Buzzfeed, Groupon... “Christopher là lý do chúng tôi đầu tư vào Arimo”, Giám đốc điều hành của Andreessen Horowitz, Peter Levine cho biết.

Levine và nhiều nhà đầu tư khác đã không đặt niềm tin sai chỗ. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập, Arimo đã nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ “học sâu” và trí tuệ nhân tạo dựa trên hành vi (behavioral AI, một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu AI, với các hệ thống tự động hóa hoạt động trong môi trường có nhiều biến động khó đoán trước, với các mục tiêu liên tục thay đổi).

Năm 2016, Tạp chí FastCompany đưa Arimo vào danh sách mười công ty sáng tạo nhất trong lĩnh vực khoa học dữ liệu. 

Christopher Nguyễn trao đổi về AI cùng Tiến sỹ Lê Viết Quốc và các đồng nghiệp tại TP.HCM.
Christopher Nguyễn trao đổi về AI cùng Tiến sỹ Lê Viết  Quốc và các đồng nghiệp tại TP.HCM.

Tháng 10 năm 2017, cái tên Arimo lại gây chú ý trong giới đầu tư và công nghệ thế giới với thương vụ sáp nhập vào tập đoàn điện tử Panasonic của Nhật Bản. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ nhưng theo phân tích của Nikkei, Panasonic phải chi ra nhiều chục triệu USD. 

Thông qua vụ sáp nhập này, Panasonic đặt tham vọng tận dụng sức mạnh của Arimo trong lĩnh vực khoa học dữ liệu để đẩy nhanh tốc độ phát triển mảng kinh doanh dựa trên AI và Internet vạn vật (IoT) của mình, cung cấp các sản phẩm và giải pháp cho các doanh nghiệp.

Christopher Nguyễn tiếp tục điều hành Arimo như một công ty thành viên của Panasonic.

Với mạng lưới khách hàng trải khắp toàn cầu và tiềm lực tài chính hùng hậu của Panasonic, giờ đây Nguyễn có thể tiến gần hơn đến ước mơ sáng tạo những sản phẩm phục vụ cả tỷ người.

Khởi nghiệp của một giảng viên đại học

Ai tiếp xúc lần đầu với Christopher Nguyễn đều có cảm giác thoải mái bởi sự giản dị, và cởi mở. Có lẽ vì xuất phát điểm của Christopher Nguyễn là một giáo sư đại học, nên ông có cách lý giải mọi thứ một cách dễ hiểu và thuyết phục.

Christopher Nguyễn kể, con đường sự nghiệp trong ngành khoa học máy tính đến với mình một cách tình cờ. Hồi mới đặt chân sang Mỹ, phần lớn thời gian Nguyễn vùi đầu vào học tiếng Anh. Thi thoảng có chút thời gian rảnh, cậu bé Nguyễn lọ mọ đến thư viện để tự học một trong những ngôn ngữ lập trình máy tính đầu tiên là BASIC.

Nguyễn có thói quen viết các chương trình (code) ra giấy, rồi lưu trữ chúng trong máy tính ở một cửa hàng gần nơi mình sống, để thử nghiệm cách chúng hoạt động.

"Đó là cách tôi bắt đầu tìm hiểu về lập trình và nhận ra rằng mình có thể làm được nhiều thứ trong ngành này", Christopher Nguyễn nói.

Cậu bé người Việt ngày nào còn ngơ ngác đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nay đã có một sự nghiệp khiến nhiều người mơ ước với ba dự án khởi nghiệp thành công.
Cậu bé người Việt ngày nào còn ngơ ngác đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nay đã có một sự nghiệp khiến nhiều người mơ ước với ba dự án khởi nghiệp thành công.

Lớn lên, Nguyễn nhận được học bổng toàn phần để theo học Đại học California tại Berkeley. Con đường học vấn suôn sẻ với Nguyễn khi anh lần lượt lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành kỹ thuật điện tại Đại học Standford, ngôi trường danh giá nhất nhì nước Mỹ. 

Trong thời gian ở Standford, Nguyễn đã xây dựng thành công bộ phần mềm mã hóa tiếng Việt tiêu chuẩn đầu tiên và đóng góp cho Unicode 1.1. 

Cả hai dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Christopher Nguyễn, CyberTouch và ACTGen Software đều thành công và được các tập đoàn lớn mua lại với giá cao. 

“Sau khi rời Đại học Stanford, tất cả những gì mà tôi muốn theo đuổi khi đó là trở thành một Giáo sư”, Nguyễn nhớ lại. Vì thế, chàng tiến sĩ trẻ tuổi đã quyết định tham gia Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong (HKUST) vào năm 1993. 

Nguyễn là giảng viên đồng sáng lập Khoa Khoa học Máy tính của Đại học này. Giờ đây, HKUST đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu châu Á. 

Ba năm ở Đại học Hongkong cũng là thời điểm kỷ nguyên Internet bùng nổ với sự ra đời của mạng world wide web. Christopher Nguyễn không thể ngồi yên như một giảng viên đại học được nữa. Chàng giảng viên trẻ quyết định từ bỏ giảng đường đại học để dấn thân vào lĩnh vực doanh nhân khởi nghiệp đầy thách thức mới lạ. 

Nhưng khi nhìn lại, Christopher Nguyễn không cho rằng những bằng cấp và kinh nghiệm đóng vai trò quyết định thành công.

“Điều quan trọng nhất có lẽ chỉ là tính tò mò. Khả năng liên tục học hỏi, không chỉ khi bạn còn trẻ, mà ngay cả khi bạn đang thăng tiến trong sự nghiệp của mình, chính là chìa khóa để thành công, nhất là khi công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay.

Nếu không có vấn đề gì đáng để suy nghĩ mỗi tháng, thì chắc chắn là tôi đang đi sai hướng”, CEO của Arimo chia sẻ.

Khát vọng “đáp đền tiếp nối” đào tạo AI cho người Việt trẻ

Rời Việt Nam khi mới 13 tuổi, Christopher Nguyễn chọn cách đóng góp trở lại cho quê hương trong lĩnh vực mà ông luôn tâm huyết: Giáo dục, trong vai trò kiến tạo một trường đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam. Christopher Nguyễn là thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam, tổ chức có trụ sở tại Boston, chịu trách nhiệm gây quỹ và phát triển Đại học Fulbright Việt Nam.

Mỗi lần bay về Việt Nam làm việc, nơi Arimo có chi nhánh tại Quận 7, TP.HCM, Chris Nguyễn vẫn cố gắng dành thời gian trong lịch trình dày đặc để qua campus gần đó của Đại học Fulbright Việt Nam, gặp gỡ và thảo luận với ban lãnh đạo và giảng viên của Trường. Những phác thảo ban đầu về một chương trình đào tạo khoa học máy tính xuất sắc, với trọng tâm là khoa học dữ liệu và AI đang dần hình thành. 

"Tôi luôn muốn trả ơn cuộc đời bằng cách cho đi điều tương tự với các thế hệ tương lai”, Christopher Nguyễn.
"Tôi luôn muốn trả ơn cuộc đời bằng cách cho đi điều tương tự với các thế hệ tương lai”, Christopher Nguyễn.

“Trong suốt chiều dài sự nghiệp, bất kể trong lĩnh vực học thuật hay kinh doanh, tôi luôn được giúp đỡ bởi rất nhiều người thầy, người hướng dẫn. Bởi vậy, tôi luôn muốn trả ơn cuộc đời bằng cách cho đi điều tương tự với các thế hệ tương lai”, Christopher Nguyễn lý giải vì sao nhận lời tham gia một vị trí không có thù lao, đãi ngộ bất kể lịch trình bận rộn của một CEO công ty công nghệ. 

Nhiều năm có dịp tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ Việt Nam, trong vai trò thành viên sáng lập và quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tổ chức đã đưa hơn 700 sinh viên và nhà khoa học trẻ người Việt sang Mỹ theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, công nghệ, Christopher Nguyễn tin rằng nguồn nhân lực chính là tiềm năng lớn lao để Việt Nam có thể tìm được chỗ đứng trong kỷ nguyên AI.

“Rất nhiều bạn trẻ Việt có các kỹ năng máy tính tốt, cũng như tham vọng theo đuổi ngành công nghệ đặc biệt này”, Nguyễn nhận xét. 

“Hơn hai mươi năm trước, các thiết bị di động và công nghệ di động trở nên phổ biến trên thế giới. Vào thời điểm đó, châu Á – cụ thể là Việt Nam - chưa thực sự có điện thoại hay mạng lưới đồng. Việt Nam về cơ bản là hoàn toàn bỏ qua mạng lưới đó và đi trực tiếp đến công nghệ di động. 

Chúng ta có thể suy nghĩ điều tương tự khi nhắc đến tiềm năng tận dụng lợi thế của học máy và công nghệ AI ở Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam đang thực sự có cơ hội cũng như thách thức để có thể rút ngắn giai đoạn và đi thẳng vào đầu tư nguồn nhân lực cho kỷ nguyên máy học này”, Christopher Nguyễn nhận định./.