Thuận theo hoàn cảnh
“Không có một công thức thành công chung nào cho chuyển đổi số để “copy and paste” từ doanh nghiệp này vào doanh nghiệp khác, kể cả là doanh nghiệp cùng ngành, cùng kích cỡ. Chuyển đổi số không phải là việc mua một vài thiết bị, một số phần mềm và tìm cách nối chúng lại với nhau. Chuyển đổi số doanh nghiệp cần được quy hoạch cần có một tổng đồ, sau đó chủ doanh nghiệp mới quyết định xem mình cần tái cấu trúc, tái tổ chức (reorganization), tái cơ cấu (restructure) hay ở mức độ cao nhất là tái định hình (reframing)”, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số DTSI (Hội truyền thông số Việt Nam) chia sẻ mở đầu hội thảo.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số DTSI |
Theo ông Giang, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, một tiến trình không thể đảo ngược và giống như nước chảy. Nước không cố chấp mà lựa theo địa hình mà chảy; ngay cả khi ngăn đập thì đập đầy, nước vẫn chảy. Chuyển đổi số cũng thế, nó phải bắt đầu từ cái doanh nghiệp có, đó là chất lượng và động lực của nhân sự, tiềm lực tài chính, sức mạnh công nghệ, tri thức, phải bắt đầu từ chính thực tiễn của doanh nghiệp.
Ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam |
Ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhận định: "Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, giúp các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển".
Nhiều doanh nghiệp nhận thức được điều này và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Trương Anh Quân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số TDX Việt Nam |
Theo ông Trương Anh Quân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số TDX Việt Nam, tiến trình chuyển đổi số cần được lên kế hoạch và triển khai từng bước từ số hóa thông tin, tài sản... của doanh nghiệp, đến số hóa quy trình vận hành để có thể tự động hóa và tối ưu chúng, từ đó chuyển đổi mô hình kinh doanh thích ứng với tình hình mới.
"Không thể đốt cháy giai đoạn. Các doanh nghiệp cần chú ý đến tính thực tiễn và quyết liệt trong các hành động của mình”, ông Quân nhấn mạnh.
Hành động linh hoạt
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tử Quảng, đại diện BKAV nhấn mạnh vào yếu tố các doanh nghiệp cần phát triển cách thức hoạt động quyết định dựa trên dữ liệu. Sau giai đoạn số hóa dữ liệu là giai đoạn số hóa quy trình và tập trung phát triển big data.
Ông Phạm Anh Đới, Giám đốc Học viện Agile cho rằng, triển khai chuyển đổi số doanh nghiệp cần thực hiện một cách linh hoạt. Ông nhấn mạnh vào phương châm "think big, start small" (nghĩ lớn nhưng bắt tay vào làm từ những việc nhỏ). Chuyển đổi số nên bắt đầu từ những bộ phận nhỏ, linh hoạt của doanh nghiệp, sau đó mở rộng ra các bộ phận khác, rồi toàn công ty.
Bên lề Hội thảo Doanh nhân Trẻ Việt Nam chủ đề Chuyển mình - Đổi số, Viện Chiến lược Chuyển đổi số DTSI và CLB Công nghệ & Chuyển đổi số TDX Việt Nam (trực thuộc TƯ Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam) ký kết hợp tác chiến lược.
Bà Lê Phương Hà, Phó Viện trưởng thường trực Viện Chiến lược Chuyển đổi số và Ông Trương Anh Quân, Phó Chủ tịch kiêm TTK CLB Công nghệ & Chuyển đổi số TDX Việt Nam thực hiện ký kết |
Theo đó, hai bên cùng phối hợp xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của Việt Nam thông qua việc kết hợp khung lý luận của Viện và thực tiễn triển khai của các thành viên trong câu lạc bộ.
Thông qua hợp tác này, Viện Chiến lược Chuyển đổi số mong muốn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, quản trị thông qua một bộ công cụ có tính thực tiễn và thực tế cao./.