Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở
Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng
Kỳ 3: Những mối quan hệ, hợp tác cộng sinh
Nằm trong Danh sách “đen”
Đây là dự án được Hà Nội đề xuất từ năm 2009 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng 7 tuyến đường kết nối khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) vào đầu năm 2010.
Những công đoạn thủ tục thực hiện dự án trong giai đoạn này được Hà Nội triển khai khá nhanh, ngay ngày 7/4/2010 UBND TP. Hà Nội đã quyết định chấp thuận đề xuất dự án của liên danh Công ty CPĐT Văn Phú - Invest và Công ty CPĐT Hải Phát.
Việc này TP. Hà Nội cũng có báo cáo Thủ tướng và được cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội.
Vì vậy liên danh Công ty CPĐT Văn Phú - Invest và Công ty CPĐT Hải Phát chính thức được chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT.
Theo Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 07/4/2010 quy mô đầu tư cho dự án thời điểm này dự kiến xây dựng 7 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 12,54km. Cụ thể:
Tuyến số 1: Đường Thanh Bình thuộc địa phận phường Văn Mỗ, quận Hà Đông có điểm đầu từ km0 (Khách sạn sông Nhuệ), điểm cuối Km1+680 (trạm bơm Thanh Bình), chiều dài 1,68km, chiều rộng là 18,5m.
Tuyến số 2: Đường 19-5 thuộc địa bàn phường Văn Quán, quận Hà Đông có điểm đầu km0 tại nút giao với đường 430 ngã tư cầu Đen, điểm cuối Km0+496,2 (Trường mầm non Sơn Ca), chiều dài 0,5km, rộng 18,5m.
Tuyến số 3: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận xã Kiến Hưng, quận Hà Đông có điểm đầu tại ngã ba giao cắt với đường Phúc La – Văn Phú và đường trục phía Nam, điểm cuối sát doanh trại quân đội, chiều dài 0,7km, rộng 23,25m.
Tuyến số 4: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận phường Phú Lương và một phần xã Bích Hòa, huyện Chương Mỹ có điểm đầu tại ngã ba giao cắt với đường Quốc lộ 21B, điểm cuối sát khu đô thị Thanh Hà, chiều dài 1,7km, rộng: 23,25m.
Tuyến số 5: Tuyến đường quy hoạch thuộc địa phận phường Phú Lương và một phần xã Bích Hòa, huyện Chương Mỹ có điểm đầu giáp KĐT mới Phú Lương, điểm cuối giao cắt với Quốc lộ 21B, chiều dài 4,5km, rộng 42m.
Tuyến số 6: Tuyến đường nằm trong quy hoạch đô thị phía Bắc Hà Đông thuộc địa phận xã Dương Nội, quận Hà Đông và xã Đông La, huyện Hoài Đức. Tuyến đường này có điểm đầu giao cắt với tuyến đường gom vành đai IV thuộc địa bàn xã Đông La, huyện Hoài Đức, điểm cuối giao với đường Lê Trọng Tấn (sát Trường tiểu học Dương Nội B). chiều dài 1,46km, rộng 40m.
Tuyến số 7: Tuyến đường nằm trong quy hoạch chung của Hà Đông thuộc địa phận xã Dương Nội, quận Hà Đông và xã Đông La, huyện Hoài Đức có điểm đầu giao cắt với đường Lê Văn Lương (mương tiêu thoát nước nhánh kênh La Khê), điểm cuối giao với đường quy hoạch thuộc xã Đông La, chiều dài 2,0km, rộng 27m.
Tuy nhiên đến năm 2013, sau cuộc rà soát 61 dự án BT ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu 42 dự án BT không được tiếp tục thực hiện theo hình thức BT nữa mà phải giao lại quỹ đất dự kiến đối ứng cho các sở, ngành để chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, đấu giá đất theo quy định. Dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông của liên danh Văn Phú và Hải Phát cũng nằm trong danh sách này.
Thoát hiểm
Mặc dù vậy, chỉ sau đó khoảng 01 năm, vào tháng 12/2014 UBND TP. Hà Nội đã quyết định cho phép tiếp tục triển khai và phê duyệt điều chỉnh đề xuất dự án các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị và dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT.
Sự việc tiếp tục được thực hiện theo quy trình khi năm 2016 quận Hà Đông đã tổ chức công bố Quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ 05 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị và dân cư quận Hà Đông, tỷ lệ 1/500. Trong đó bao gồm các tuyến số 2, 3, 4, 6, 7 (tuyến số 1 và số 5 chưa được phê duyệt).
Theo thông tin từ Văn Phú - Invest để thực hiện dự án này Liên danh nhà đầu tư sẽ phải xây dựng tuyến đường số 2 dài 0,5km, tuyến số 3 dài 0,4km, tuyến số 4 dài 0,7km, tuyến số 6 là 2km, tuyến số 7 là 3,3km. Đến nay đã có phê duyệt dự án và các khu đất đối ứng. Tổng mức đầu tư dự khoảng 1.960 tỷ đồng.
Cụ thể, với dự án này Liên danh nhà đầu tư nhận được 6 khu đất đối ứng, với tổng diện tích ngót nghét cũng khoảng 68ha. Trong đó, bao gồm: Khu đô thị Bắc Lãm với tổng diện tích đất khoảng 41,84ha; Khu chức năng đô thị Kiến Hưng tổng diện tích đất khoảng 7,568ha; Khu nhà ở Phú Lãm khoảng 12,92ha; Khu nhà ở Hà Cầu khoảng 2,3ha; Khu nhà ở Dương Nội khoảng 2,55ha; và Khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng với tổng diện tích đất khoảng 0,998ha.
Phải nói rằng, đây là dự án có quãng thời gian dài cho Liên danh Văn Phú - Invest và Hải Phát, mặc dù được phê duyệt đề xuất, chỉ định đầu tư từ năm 2010 nhưng mãi đến năm 2017 mới được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và ký thỏa thuận dự án. Tức là đến nay nhà đầu tư mới chỉ đi được một phần chặng đường của quá trình thực hiện dự án.
Từ một dự án bị yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức hợp đồng BT nhưng chỉ sau 1 năm dự án vẫn được liên danh Văn Phú - Invest và Hải Phát tiếp tục thực hiện theo hình thức cũ. Vậy, cách nào dự án này gặp khó mà vẫn được chỉ định thực hiện như vậy?
Điểm mấu chốt của dự án này là “Quyết định số 7115/QĐ-UBND ngày 27/12/2014” cho phép tiếp tục triển khai và phê duyệt điều chỉnh đề xuất dự án của Hà Nội vào năm 2014. Mặc dù quy trình thủ tục đầu tư rất phức tạp nhưng đây có lẽ là điểm quan trọng mà Liên danh Văn Phú - Invest và Hải Phát đã tiếp tục được thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.
Cả Văn Phú và Hải Phát đều thuộc hàng đại gia bất động sản hiện nay cho nên bằng việc tự đề xuất với TP. Hà Nội để bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng đầu tư hơn 6,9km các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị và dân cư quận Hà Đông (số liệu từ Văn Phú - Invest) bù lại sẽ được giao 68ha đất đối ứng là cơ hội để 2 doanh nghiệp này tiếp tục thâu tóm nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội.
Về liên danh này, Công ty CPĐT Hải Phát, thành lập ngày 15/12/2003 với 04 cổ đông sáng lập là Lê Thị Hoàng Anh, Nguyễn Thị Phương Mai, Đỗ Quý Hải và Nguyễn Hồng Thái. Đến năm 2008, Công ty chính thức được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát và tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, đến năm 2010 vốn điều lệ tiếp tục được tăng lên 750 tỷ đồng, từ năm 2016 mở rộng thêm thị trường Nha Trang và Đà Nẵng. Hải Phát hiện do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trong khi đó, Công ty CPĐT Văn Phú - Invest thành lập từ năm 2003 tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh do Nhà nước làm chủ sở hữu, đến năm 2008 Chi nhánh chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty CPĐT Văn Phú - Invest với 100% vốn tư nhân vốn điều lệ là 45,8 tỷ đồng, đến nay số vốn điều lệ của công ty đã được nâng lên mức 1.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do ông Tô Như Toàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Công ty Văn Phú - Invest hiện có 6 công ty con và 4 công ty liên kết, tham gia sở hữu nhiều dự án bất động sản như: Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp An Hưng, Dự án khu đô thị Hữu Hòa 156ha, Dự án khu nhà ở Hà Cầu 2,3ha;... Lợi nhuận gộp từ bán bất động sản của Văn Phú - Invest năm 2015 là 21,356 tỷ đồng, năm 2016 là 77,902 tỷ đồng, năm 2017 là 364,522 tỷ đồng.
Ngoài dự án này, nhà đầu tư Văn Phú - Invest còn liên danh với các nhà đầu tư khác để thực hiện một số dự án hinh thức hợp đồng BT với quy mô quỹ đất được hoàn đối ứng lớn.
Điển hình là dự án BT nâng cấp đường 70, đoạn Văn Điển - Hà Đông Liên danh Văn Phú - Invest và Công ty CP&PT Lũng Lô 5 đóng vai trò là nhà đầu tư. Để thực hiện dự án nhà đầu tư sẽ bỏ ra 3.069 tỷ đồng và bù lại sẽ được giao 156ha đất đối ứng tiến hành dự án Khu nhà ở Hữu Hòa tại huyện Thanh trì, TP. Hà Nội. Thời gian dự kiến triển khai là 2017-2020.
Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở