Chứng khoán Việt Nam ‘hút’ 112 triệu USD từ quỹ ETF trong 6 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dòng vốn ETF đảo chiều hồi phục khi định giá thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn sau pha điều chỉnh 9,9% trong tháng 4/2022. Song, dòng vốn này có dấu hiệu yếu đi trong tuần đầu tháng 5/2022.
Chứng khoán Việt Nam ‘hút’ 112 triệu USD từ quỹ ETFs trong 6 tháng
Chứng khoán Việt Nam ‘hút’ 112 triệu USD từ quỹ ETFs trong 6 tháng

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho biết, trong tuần từ 4-6/5/2022, quỹ ngoại đã quay trở lại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng áp lực bán chỉ ở mức thấp. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 36 tỉ đồng.

Áp lực bán tập trung chủ yếu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, cụ thể là cổ phiếu DGW.

Ở chiều ngược lại, lực cầu tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản và nguyên vật liệu với động thái mua ròng các cổ phiếu như NLG, VHM và VRE. Ngoài ra, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên lĩnh vực tài chính, tập trung vào các cổ phiếu như TPB, CTG và STB.

Trong khi đó, dòng vốn ETF tại Đông Nam Á vẫn duy trì mức âm trong tuần vừa qua. Nguyên nhân là do lực cầu đã suy yếu đáng kể tại Việt Nam và Singapore.

Cụ thể, lực cầu suy yếu trong tuần trước và chỉ tập trung vào VFMVN30 và VFMVN Diamond.

Theo KIS, trong 6 tháng vừa qua, Việt Nam thu hút 112 triệu USD từ các quỹ ETF, tập trung chủ yếu từ VFMVN Diamond và Fubon FTSE.

Theo CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI), tổng dòng vốn ETF bơm ròng trong tháng 4 đạt 1.690 tỉ đồng, mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Dù vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng khá khiêm tốn, chỉ đạt 1.845 tỉ đồng – so với mức kỷ lục 13.200 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

SSI dự báo, trong thời gian tới, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu tới thị trường phát triển sẽ không mấy khả quan khi các rủi ro vẫn được duy trì với việc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ và suy thoái kinh tế.

Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch trong tháng 4, rủi ro về suy thoái kinh tế và các động thái thắt chặt từ NHTW trở thành rủi ro lớn nhất đối với các nhà quản lý quỹ, thay cho lo ngại về chiến tranh Nga-Ukraine và lạm phát.

Nhìn chung, dòng tiền sẽ tương đối phân hóa, tập trung vào các ngành cố phiếu cơ bản và không bị tác động nhiều từ việc tăng lãi suất như ngân hàng hoặc năng lượng./.