Toàn cảnh buổi toạ đàm MBS's Talk 21 (Ảnh chụp màn hình) |
Quan điểm này được ông Lã Giang Trung chia sẻ tại buổi MBS's Talk 21 với chủ đề “Vững vàng đi lên : Cơ hội thị trường khi kinh tế hồi phục”, diễn ra vào chiều nay (20/1).
Vì sao chứng khoán vẫn đi lên dù tăng trưởng kinh tế thấp?
Sự lệch pha giữa thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế trở thành chủ đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các chuyên gia tham dự buổi toạ đàm.
Vào các năm 2020 và 2021, dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán ở nhiều nước lại ghi nhận sự tăng trưởng ‘bùng nổ’.
Bước sang năm 2022, dù đưa ra dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% - cao gấp đôi so với năm trước – các chuyên gia lại tỏ ra khá thận trọng về tăng trưởng của chỉ số VN-Index và diễn biến của thị trường chứng khoán.
Theo ông Lã Giang Trung – Tổng giám đốc Passion Investment – thị trường chứng khoán thực tế chịu tác động rất lớn từ việc cung tiền của các ngân hàng trung ương (NHTƯ). Cụ thể, khi NHTƯ tăng cung tiền và giảm lãi suất (nới lỏng tiền tệ - PV) thì thị trường chứng khoán có xu hướng đi lên. Ngược lại, khi NHTƯ giảm cung tiền, tăng lãi suất, đến một ngưỡng nào đó, thị trường chứng khoán sẽ đi xuống.
“Sau khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán thường đi lên rất mạnh. Nguyên nhân là do các NHTƯ bắt đầu bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế.
Khi nền kinh tế phục hồi, các NHTƯ sẽ tiến hành thắt chặt cung tiền. Ở giai đoạn đầu của quá trình này, thị trường chứng khoán có xu hướng đi ngang hoặc tăng nhẹ. Sau khi nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh, đến ngưỡng việc tăng lãi suất không còn tác động quá nhiều tới tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán lại bùng nổ.
Và khi NHTƯ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thị trường chứng khoán điều chỉnh, đi xuống”, ông Trung phân tích.
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực khi Fed tung ra các gói QE (Nguồn: MBS) |
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, các năm 2007 và 2018, Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm, song thị trường chứng khoán lại chứng kiến những nhịp điều chỉnh rất mạnh.
Về mối liên hệ giữa các lần ‘bơm tiền’ của Fed và thị trường chứng khoán, ông Trung cho rằng mục tiêu ưu tiên của Fed vẫn là kiểm soát lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp.
“Hiện tại, độ toàn dụng lao động của Mỹ ở mức rất cao, song lạm phát tăng rất mạnh. Do đó, các chính sách của Fed sẽ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát. Nếu thị trường chứng khoán giảm mà không có tác động tới nền kinh tế thì Fed sẽ khó thay đổi quan điểm”, ông Trung nói.
Điều chỉnh là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu?
Cũng theo vị CEO Passion Investment, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn ‘sideway up’, không tăng quá mạnh nhưng cũng khó giảm sâu, và đây là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu. Đồng thời, ông Trung cũng dự báo chỉ số VN-Index có thể tăng trưởng từ 6-7% năm 2022, quanh ngưỡng 1.600 điểm.
“Khi nền kinh tế chưa phục hồi, mọi thứ còn chưa nóng, thị trường vẫn còn đi lên”, ông Trung nói.
Theo ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS – tăng trưởng GDP phản ánh tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, trong khi tăng trưởng của thị trường chứng khoán thực tế đang phản ánh tăng trưởng lợi nhuận của những doanh nghiệp niêm yết.
“Thị trường chứng khoán đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm tới. Nếu quá trình này được đẩy nhanh có thể sẽ gây bất ngờ cho thị trường và tạo ra những cú sốc nhất định”, ông Tuấn cho biết./.