Chưa phải lúc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh khởi động Phương án hai!

VietTimes -- Với việc lực lượng quân sự Mỹ trên toàn thế giới, nhất là ở Thái Bình Dương, bị ảnh hưởng nặng nề; trong dư luận Trung Quốc có ý kiến cho rằng lúc này là thời cơ hiếm có để Bắc Kinh thực hiện “vũ thống” (dùng vũ lực thống nhất Đài Loan). Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 15/4 đã đăng bài phân tích, bàn về vấn đề này.
Hiện Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương (Ảnh: Tân Hoa xã ).
Hiện Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương (Ảnh: Tân Hoa xã ).

Đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới đã bất ngờ khuấy động địa chính trị. Ở hai bên bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc đã đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh tế và xã hội; trong khi Mỹ trở thành tâm điểm của dịch bệnh toàn cầu, rất khó thoát khỏi dịch bệnh trong một thời gian ngắn. Tình hình quốc gia quyết định quân sự. Quân đội Trung Quốc tuyên bố rằng “không có lây nhiễm trong quân đội”, trong khi quân đội Mỹ đã bị “trọng thương” bởi virus Corona mới.

Điều đáng nói là, trong nửa năm qua, khi virus Corona mới tàn phá thế giới, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Đài Loan luôn xuyên suốt và chưa bao giờ hạ nhiệt. Như khi tình hình dịch bệnh của Trung Quốc đang nghiêm trọng, ngày 16/1, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Charlotte lớp Ticonderoga của Hoa Kỳ xuyên qua eo biển Đài Loan. Hay mới đây, sau khi tàu sân bay Roosevelt của Mỹ bị “thất thủ” bởi virus, ngày 11/4 tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã vượt qua eo biển Miyako tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Roosevelt hiện đã phải buông neo ở Guam do bị dịch bệnh COVID-19 tấn công (Ảnh: US Navy)
Tàu sân bay Roosevelt hiện đã phải buông neo ở Guam do bị dịch bệnh COVID-19 tấn công (Ảnh: US Navy)

Có thể thấy sự vận hành của địa chính trị không bị dừng lại vì sự an nguy tính mạng của người dân. Đồng thời, nó cũng cho thấy tầm quan trọng cực kỳ của vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ. Vậy, trong một khoảng thời gian dài tới đây, cục diện Đài Loan sẽ diễn ra như thế nào? Trung Quốc đại lục liệu có nhân cơ hội này thống nhất Đài Loan như nhiều người đã kêu gọi không?

Vấn đề Đài Loan không hạ nhiệt

Ngày 11/4/2020, tàu sân bay Liêu Ninh và 6 tàu hộ tống gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu hỗ trợ hậu cần đã đi qua eo biển Miyako tiến vào khu vực phía tây Thái Bình Dương ở phía đông đảo Đài Loan, khiến chính quyền Đài Loan chấn động. Theo cơ quan phòng thủ của Đài Loan, máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay chiến đấu J-11 ngày 10/4 cũng đã thực hiện huấn luyện đường dài ở vùng biển phía tây nam Đài Loan và đi qua Eo biển Bashi vào Tây Thái Bình Dương, sau đó quay trở lại căn cứ theo tuyến đường ban đầu.

Do tàu sân bay Roosevelt của Mỹ, được lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trong khu vực, đã bị mất sức chiến đấu do dịch bệnh COVID-19, buộc phải nằm lại căn cứ ở đảo Guam. Động thái của biên đội tàu Liêu Ninh rõ ràng nhằm với thông báo bên ngoài: đây là tàu sân bay duy nhất hiện đang có thể thực hiện các nhiệm vụ tuần tra chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương.

Các tàu trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vượt qua eo Miyako vào Tây Thái Bình Dương (Ảnh: JiJi Press)
Các tàu trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vượt qua eo Miyako vào Tây Thái Bình Dương (Ảnh: JiJi Press)

Trên thực tế, tình cảnh của tàu sân bay Roosevelt chỉ là một sự thu nhỏ của tình hình chung hiện nay của quân đội Mỹ. Được biết, cho đến nay, đã có 4 tàu sân bay xuất hiện dịch bệnh COVID-19 là Reagan, Roosevelt, Nimitz và Karl Vinson. 4 tàu này đều thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trước đó đã ra lệnh cho tất cả quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài không di chuyển nhân viên trong 60 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong quân đội; đồng thời ban hành lệnh “phong khẩu” không công khai sự lây nhiễm virus trong quân đội. Những dấu hiệu khác nhau cho thấy quân đội Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Sự tham gia của họ vào tình hình ở Tây Thái Bình Dương chắc chắn bị hạn chế.

Chỉ vài tháng trước, Mỹ một mặt tiến hành uy hiếp quân sự, mặt khác gây áp lực cho Trung Quốc. Ví dụ, từ ngày 12 đến 14/2, máy bay quân sự Hoa Kỳ đã bay trong không phận gần Đài Loan trong ba ngày liên tiếp; mặt khác, tiến hành các động thái về vấn đề Đài Loan, chẳng hạn như ngày 26/3 Tổng thống Donald Trump đã ký “Luật Đề xướng và Tăng cường bảo đảm Quốc tế Liên minh Đài Loan  năm 2019” đã được Hạ viện và Thượng viện nhất trí thông qua trước đó. Bây giờ tình hình dường như đã đảo ngược và Trung Quốc đã dần chiếm thế thượng phong.

Mỹ và Trung Quốc là đối thủ thực sự của nhau trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: Getty)
Mỹ và Trung Quốc là đối thủ thực sự của nhau trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: Getty)

Xét thấy Hoa Kỳ khăng khăng vấn đề địa chính trị khi dịch bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, Trung Quốc cũng không chịu đưa ra một số nhượng bộ về vấn đề Đài Loan. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ, có lẽ ngay cả khi không có sự bùng phát hoặc sau khi bùng phát dịch bệnh. Hoa Kỳ cũng sẽ tăng cường xử lý vấn đề Đài Loan. Dịch bệnh bất ngờ này vô tình làm gián đoạn nhịp điệu của sự đối đầu quân sự Trung-Mỹ, cũng vô tình dẫn đến một sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài trong sức mạnh quân sự Trung - Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Đối với Trung Quốc, do giảm thiểu nguy cơ can thiệp và sức mạnh có thể có của sự can thiệp của quân đội Mỹ, đây thực sự là một cơ hội để thống nhất Đài Loan. Vì vậy, liệu Trung Quốc có chọn thống nhất Đài Loan vào thời điểm này? Khả năng là không quá lớn.

Bắc Kinh không nên ngay lập tức “vũ thống”

Mặc dù quân đội Mỹ thường xuyên tuần tra hoặc trinh sát nhân danh cái gọi là “tự do hàng hải” ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, dường như muốn ép sức mạnh quân sự của Trung Quốc vào khu vực biển gần chật hẹp; nhưng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh thực sự rất khả quan và gần đây phát triển càng mạnh mẽ. Trung Quốc không chỉ sở hữu hai tàu sân bay đang hoạt động, mà các tàu hiện đại gia nhập đội ngũ hải quân cũng được mô tả “giống như thả sủi cảo”. Người ta nói rằng trọng tải tàu của Trung Quốc đóng trong 4 năm qua tương đương với toàn bộ Hải quân Anh hoặc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản. Người ta cũng cho rằng số lượng tàu chiến của hải quân Trung Quốc sẽ đuổi kịp hoặc thậm chí vượt qua hải quân Mỹ vào năm 2030 hoặc sau 10 năm.

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đại lục bay gần không phận Đài Loan, F-16 của Đài Loan lên giám sát (Ảnh: Đa Chiều)
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đại lục bay gần không phận Đài Loan, F-16 của Đài Loan lên giám sát (Ảnh: Đa Chiều)

Cần phải chỉ ra rằng phạm vi tấn công và phòng thủ của hải quân Hoa Kỳ là toàn cầu, vì vậy rõ ràng là không thực tế khi hy vọng lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc sẽ chỉ náu mình ở vùng biển xung quanh. Có thể thấy rằng Trung Quốc đến một thời điểm nào đó sẽ thường xuyên hóa hành động tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương trong đó có Đài Loan.

Đối với vấn đề thống nhất Đài Loan, người ta tin rằng Trung Quốc đại lục từ lâu đã có những điều kiện cơ bản để “vũ thống” (thống nhất bằng vũ lực). Nếu Trung Quốc đại lục quyết tâm “vũ thống”, ngay cả khi lực lượng Mỹ can thiệp, họ cũng không thể ngăn chặn được. Kịch bản nhiều khả năng xuất hiện là không trực tiếp can thiệp quân sự, mà là gây rắc rối và áp lực thông qua các biện pháp khác.

Tuy nhiên, thống nhất Đài Loan không phải là vấn đề quân sự thuần túy. Trung Quốc đại lục trì hoãn chưa ra tay, bởi vì dựa trên sự xem xét và xác định toàn diện về cục diện chính trị bao gồm các vấn đề quân sự, chiến lược lâu dài và quan hệ quốc tế. Mặc dù từ góc độ quân sự, lúc này thực sự là một cơ hội hiếm có, nhưng từ quan điểm tổng thể và lâu dài, nó có thể không phù hợp.

Máy bay trinh sát và tàu chiến Mỹ thường xuyên có mặt ở eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều)
Máy bay trinh sát và tàu chiến Mỹ thường xuyên có mặt ở eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều)

Năm 2020 xuất hiện nhiều điều không chắc chắn, nhiều sự kiện bất thường, không thể đoán trước và ngoài ý muốn lần lượt xảy ra. Đối với Trung Quốc, nơi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cũng cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Bất kể thế nào, Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì "thời kỳ cơ hội chiến lược", duy trì sức mạnh chiến lược của mình càng đầy đủ hơn.

Dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng khắp thế giới, hiện là kẻ thù lớn nhất, cũng là kẻ thù chung của xã hội loài người. Hầu hết các quốc gia đều có người bị nhiễm bệnh và chết vì bệnh. Đây là thời điểm bi thương và cần sự đoàn kết và hợp tác. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là các nước lớn toàn cầu, nên đảm nhận trách nhiệm gánh vác và lãnh đạo tại thời điểm quan trọng này. Nếu vội vàng tiến hành chiến tranh sẽ phản tác dụng và thậm chí có thể gây ra sự bật lại.

Tất nhiên, chính quyền của bà Thái Anh Văn đang ngày càng đi xa hơn trên con đường “độc lập thực chất” của Đài Loan. Người ta cũng không biết liệu những sự kiện cực đoan bất ngờ xảy ra có kích hoạt "Luật chống ly khai" và khiến đại lục bắt đầu các hành động “vũ thống” hay không.

Mỹ thường xuyên bán vũ khí hiện đại giúp Đài Loan củng cố khả năng quốc phòng bất chấp sự phản đối của Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều)
Mỹ thường xuyên bán vũ khí hiện đại giúp Đài Loan củng cố khả năng quốc phòng  bất chấp sự phản đối của Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều)

Lựa chọn thứ hai của Bắc Kinh

Dù sao chăng nữa, sự "ẩn hình" của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một cơ hội hiếm có cho Trung Quốc. Hiện nay chắc chắn không phải là cơ hội tốt nhất để thống nhất Đài Loan, ít nhất đó cũng là cơ hội để lấp đầy "khoảng trống" do sự "ẩn hình" của quân đội Mỹ để lại và mở rộng bành trướng quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Cách tiếp cận này là không thể chê trách.

Trong vài năm qua, hai nước Trung –Mỹ đã luôn ở trong tình trạng đối đầu và đọ sức ở Tây Thái Bình Dương, vô cùng căng thẳng, thậm chí nhiều lần suýt xảy ra tình trạng suýt “cướp cò”. Các cuộc cãi vã giữa giới chính trị và truyền thông hai nước trở nên thường xuyên. Hai nước sở dĩ như đạn đã lên nòng không chỉ vì tầm quan trọng cực kỳ của vấn đề Đài Loan, mà còn bởi vì một khi một bên nhượng bộ, cho thấy sự yếu kém, bên kia sẽ không ngần ngại lấp đầy "chân không" và có thể gây ra một số phản ứng dây chuyền.

Biểu hiện của sự tranh chấp giữa hai bên không gì khác hơn là sự mở rộng và củng cố phạm vi kiểm soát của họ. Đảo Đài Loan nằm trong "vùng giữa" mà hai bên đang co kéo, hoặc đồng thời trong phạm vi trùm lên của lực lượng quân sự cả hai nước. Để quan sát xu thế phát triển của thời cuộc, có thể tham khảo việc Trung Quốc có thường xuyên hóa việc tuần tra ở phía đông đảo Đài Loan hay không và liệu Hoa Kỳ có thường xuyên hóa việc tuần tra ở phía tây đảo Đài Loan hay không. Bởi vì điều này có nghĩa là cả hai bên có thể ôm trọn đảo Đài Loan trong phạm vi thế lực của mình và xua đuổi các phương tiện quân sự như tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của bên kia, từ đó giành được quyền kiểm soát thực chất hơn đối với khu vực Đài Loan.

Chính quyền của bà Thái Anh Văn ngày càng thực hiện "Đài Loan độc lập" trên thực tế khiến Bắc Kinh tức giận (Ảnh: Đa Chiều)
Chính quyền của bà Thái Anh Văn ngày càng thực hiện "Đài Loan độc lập" trên thực tế khiến Bắc Kinh tức giận (Ảnh: Đa Chiều)

Vào tháng 2/2020, một hạm đội viễn dương của hải quân Trung Quốc đã đến vùng biển phía nam Midway diễn tập nhằm vào Trân Châu Cảng. Đây là lần đầu tiên một hạm đội nước ngoài đến đảo Midway để thực hiện một cuộc tập trận sau hơn 70 năm cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Truyền thông chính thức của Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố mục tiêu của cuộc tập trận, nói "nhiệm vụ của Chiến khu miền Nam là chặn viện, nghĩa là vu hồi xuống tung thâm đại dương và phối hợp với Chiến khu miền Bắc để tạo thành hợp lực, để đảm bảo rằng chiến trường Đài Loan không bị can thiệp bởi các lực lượng quân đội nước ngoài”. Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này đi qua eo biển Miyako, càng làm tăng thêm sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Đông Đài Loan và Tây Thái Bình Dương.

Vì vậy, nếu quân đội Trung Quốc ép chặt quân đội Hoa Kỳ ở khu vực phía đông Đài Loan và thực hiện thường xuyên hóa việc tuần tra đến khu vực này, tạo nên cục diện thuận lợi hơn cho sự thống nhất Đài Loan trong tương lai, đối với Trung Quốc đã là một sự tiến triển có thể khẳng định. Còn đối với Mỹ, đây có lẽ là một thất bại lớn.