Chủ tịch VAMC: “Chúng tôi đang tập trung giải quyết hàng tồn”

Đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng đã xử lý được 44 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong tổng số nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Chủ tịch VAMC: “Chúng tôi đang tập trung giải quyết hàng tồn”

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết giải quyết “hàng tồn” là nhiệm vụ quan trọng số 1 trong năm 2016.

Một nhiệm vụ lớn trong năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước là tập trung xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ, vậy thông điệp chỉ đạo mới nhất từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với VAMC là gì, thưa ông?

Thống đốc Lê Minh Hưng và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa có buổi làm việc với VAMC. Tất cả những số liệu bao gồm số dư mua, bán, kết quả xử lý, những kiến nghị xử lý vướng mắc đều được chúng tôi báo cáo rõ ràng và cập nhập hàng ngày cho Thống đốc cùng Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, đến đầu tháng 5/2016, dư nợ gốc mà VAMC đã mua được là 244 nghìn tỷ đồng, theo giá trị sổ sách là 238 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt VAMC (trái phiếu VAMC) là 207 nghìn tỷ đồng.

Nói cách khác, chúng tôi dùng 207 nghìn tỷ đồng để mua 244 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc và hạch toán trên nội bảng là 238 nghìn tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo phải quyết liệt tìm mọi biện pháp trên cơ sở các quy định hiện hành để sớm xử lý số nợ xấu đã mua. Trong quá trình đó,vướng đâu, gỡ đấy, quyết không để tiến độ xử lý nợ bị trì trệ.

Với 207 nghìn tỷ đồng trái phiếu, VAMC đã làm được những gì, thưa ông?

Chúng tôi bán nợ và xử lý được khoảng 24 nghìn tỷ đồng (1), tương ứng 13%/số dư trái phiếu và 11,5%/dư nợ gốc nội bảng. Tốc độ xử lý nói trên tuy không nhanh nhưng cũng không chậm bởi còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và điều kiện thị trường cũng như cơ chế chính sách.

Có ý kiến cho rằng, tốc độ xử lý nợ xấu chậm trễ nhưng thực tế, nếu cả năm 2014 chỉ thu được 4.800 tỷ đồng thì riêng 4 tháng đầu 2016 chung tôi đã xử lý trên 4.300 tỷ đồng. Rõ ràng, tốc độ thu nợ ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Đó là chưa kể, đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro được khoảng 10%, tương đương 20 nghìn tỷ đồng (2).

Cộng khoản (1) và (2), đến nay, VAMC và tổ chức tín dụng đã xử lý được 44 nghìn tỷ đồng. So với số dư trái phiếu, chỉ còn khoảng 163 nghìn tỷ đồng và đây chính là nhiệm vụ trọng yếu nhất của VAMC cùng toàn ngành ngân hàng trong năm 2016.

Làm thế nào để xử lý nốt 163 nghìn tỷ đồng nợ xấu còn lại như ông nói, thưa ông?

Thứ nhất, VAMC cùng tổ chức tín dụng phải bằng mọi cách để thu hồi nợ, song song cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi suất để những khách hàng có cơ hội phục hồi sản xuất tiếp tục hoạt động.

Trong các năm 2013 - 2015, VAMC đã mua nợ với mục đích là giải phóng bế tắc quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng cải thiện hệ số an toàn theo quy định, đồng thời, tổ chức tín dụng có thời gian tạm nghỉ nhằm tái cơ cấu lại chính mình.

Ai đó nói “VAMC lấy nợ túi trái chuyển sang túi phải” thì 2016, chúng tôi sẽ rốt ráo xử lý.

Thứ hai, VAMC tích cực bán tài sản bảo đảm và/hoặc uỷ quyền cho tổ chức tín dụng bán tài sản bảo đảm. Ngày 8/9/2014, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 18 hướng dẫn thủ tục xử lý tài sản bảo đảm thông qua phương thức bán đấu giá theo cơ chế xử lý của VAMC. Đây là một cơ chế đột phá, nhờ đó, tốc độ xử lý tài sản bảo đảm sẽ nhanh hơn trước rất nhiều.

Thứ ba, để VAMC giải quyết nhanh nợ xấu, cần có thị trường mua bán nợ hoạt động một cách chuyên nghiệp. Nếu trước đây, chúng tôi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt thì tới đây, sẽ mua theo giá thị trường.

Muốn làm được điều này, phải có vốn và thị trường người mua, kẻ bán tấp nập.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngồi đợi đến khi có thị trường mua bán nợ rồi mới hành động. Với những quy định hiện hành, VAMC sẽ vận dụng một cách triệt để để xử lý như chỉ đạo mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông có nói là triển khai mua nợ theo giá thị trường, vậy nguồn tiền lấy ở đâu ngoài 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ?

Trước hết, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ được cấp để mua.

Tiếp đó, một nguồn nữa lấy từ bán tài sản bảo đảm. Với trường hợp tổ chức tín dụng cần đến VAMC hỗ trợ bán thì chúng tôi sẽ làm. Còn những trường hợp khác, VAMC sẽ tự bán thông qua trung tâm đấu giá.

Tại Thông tư 18 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn khá chi tiết và đầy đủ việc bán nợ của VAMC, cho nên, đây được coi là một nguồn lực khả thi để chúng tôi tiến hành mua nợ theo thị trường, tức là tiền tươi thóc thật, theo giá thoả thuận và phải có hiệu quả.

Hiện tại, chủ thể thị trường mua bán nợ mới chỉ có VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một số công ty quản lý tài sản (AMC) của tổ chức tín dụng.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, sẽ có các nhà đầu tư khác tham gia sân chơi để thị trường sôi động hơn.

Có một điểm cần lưu ý, những tài sản bảo đảm muốn bán được thì phải thu giữ được và con nợ sẵn sàng ký giấy chuyển nhượng. Ngược lại, không thu giữ được, hoặc thu giữ nhưng khi bán, con nợ không ký giấy, khởi kiện lung tung, sẽ rất rắc rối.

Ví dụ, chúng tôi chuẩn bị phát mại một nhà máy ở Gia Lai, liên hệ với bên vay, ông ta kêu “đang đi nước ngoài”, đến khi về, VAMC liên hệ lại thì bảo là “để nghiên cứu”. Hoặc, có trường hợp khách hàng nợ đầm đìa nhưng vẫn đi xe “siêu sang” nhưng không hợp tác trả nợ.

Nhưng thực tế thì không phải khách hàng nào cũng như vậy, phần lớn người vay sẵn sàng hợp tác với VAMC và tổ chức tín dụng thanh lý khoản nợ.

Theo Nguyễn Hoài

VnEconomy