Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Tìm giải pháp, không giải thích trong cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung khắc phục, cải thiện trong cải cách hành chính với tinh thần tìm giải pháp và hành động để đạt được kết quả, không tìm cách giải thích.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung, cải thiện trên tinh thần tìm giải pháp cải cách hành chính
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung, cải thiện trên tinh thần tìm giải pháp cải cách hành chính

Ngày 12/8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác CCHC năm 2021 của TP.HCM.

Vì sao TP.HCM tụt 20 bậc?

Tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân- Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết, kết quả chỉ số CCHC năm 2021 do Bộ Nội vụ công bố, TP.HCM đạt 86,05% xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020, dưới mức điểm trung bình của cả nước là 86,37%.

Trong khi đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của TP.HCM 86,69%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM chỉ ra một số nguyên nhân, như các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao hoàn thành muộn so với yêu cầu; chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công TP.HCM.

Ngoài ra, kết quả tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và do UBND cấp huyện, cấp xã giải quyết còn có hồ sơ trễ hạn; chậm xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết….

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu kiến nghị 12 nội dung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, TPHCM sẽ đảm bảo tiến độ thực hiện các chỉ đạo của cơ quan Trung ương, lãnh đạo, đặc biệt lưu ý đối với nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khiếu nại. Tự kiểm tra, rà soát các việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, giải quyết phản ánh, kiến nghị; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được thành phố giao vốn triển khai trong năm 2022…

Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội Vụ TP.HCM
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội Vụ TP.HCM

Theo ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ Cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để Thủ tướng theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM thực hiện chậm và manh mún. “Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ hơn 11.000 hồ sơ. Như vậy, các hồ sơ còn lại là báo cáo giấy. Việc này dẫn đến báo cáo của TPHCM thì trên 99% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, nhưng Thủ tướng theo dõi chỉ khoảng 63% hồ sơ là đúng hạn”, ông Hoàng nói.

Từ đó, ông Hoàng đề nghị TP.HCM tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; sớm hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Về vấn đề này, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM cho biết, sở đang tập trung hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công TP.HCM, dự kiến trong tháng 10-2022 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

Cổng dịch vụ công TPHCM sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hệ thống dữ liệu của Bộ Công an để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính.

Cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP.HCM và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.

Thời gian tới, Sở TT-TT TP.HCM tiếp tục được mở rộng, phát triển tổng đài 1022, thêm hệ thống trực quan giám sát việc xử lý kiến nghị, phản ánh của người dân, qua đó giúp lãnh đạo TPHCM giám sát chi tiết được công tác xử lý kiến nghị của các địa phương.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM

Không tìm cách giải thích

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực và mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác CCHC. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, công tác CCHC của TP.HCM cần phải nỗ lực nhiều hơn nếu so với yêu cầu phát triển của thành phố cũng như so với mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và với các tỉnh thành bạn trong cả nước.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, CCHC có vai trò quan trọng, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Vì vậy, từng cơ quan, đơn vị phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ này để có giải pháp thực hiện trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tự soi để thấy được những hạn chế. Qua đó, tìm ra giải pháp để công tác CCHC có kết quả toàn diện, người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn. Từ đó, góp phần đưa TP.HCM phát triển nhanh và đồng bộ hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tập trung khắc phục, cải thiện với tinh thần tìm giải pháp và hành động để đạt được kết quả chứ không tìm cách giải thích.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TPHCM đã phát sinh hơn 5 triệu hồ sơ nhưng chỉ có 11.000 hồ sơ được ghi nhận trên hệ thống. Ông Phan Văn Mãi yêu cầu, tập trung làm tốt hơn công tác hiện đại hóa nền hành chính và cải cách tài chính công.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị cấp thành phố đến cơ sở tập trung triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC. Đồng thời xác định những nội dung cần tập trung để có những giải pháp, phân công rõ ràng và đề ra tiến độ cụ thể; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để đến cuối năm 2022 hướng đến cải thiện chỉ số CCHC. Cuối năm, đánh giá kết quả này cùng với đánh giá cán bộ.

Đối với Sở TTTT TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, đến tháng 10/2022 hoàn thành và ra mắt Hệ thống thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công TP.HCM kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời rà soát chuẩn hóa, tập trung các giải pháp để triển khai đồng bộ, chất lượng hơn các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.