Chủ tịch TP.HCM: Cần tháo gỡ nút thắt giao thông, mở liên kết vùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – TP.HCM tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, viện, trường, lãnh đạo Bộ GTVT, các tỉnh chỉ ra điểm nghẽn, điểm cần sửa đổi để tháo gỡ nút thắt giao thông, mở được liên kết vùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần tháo gỡ nút thắt giao thông, mở liên kết vùng
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần tháo gỡ nút thắt giao thông, mở liên kết vùng

Tại Hội thảo chuyên đề về Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM tổ chức hôm 20/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, quy hoạch giao thông của thành phố được phê duyệt năm 2013 đã góp phần phát triển giao thông, qua đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ trong phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; Không chỉ riêng TP.HCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng.

Giao thông TPHCM không chỉ nằm riêng địa giới TP, mà cần kết nối với các vùng. Hiện, trong quá trình thực hiện giao thông cần nhiều vốn, giải phóng nhiều mặt bằng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách trung ương, địa phương sẽ rất lâu.
Theo ông Mãi, các chuyên gia, viện, trường có thể nêu ý kiến về Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) vừa khai thác kinh tế giao thông, rộng hơn là kinh tế đất đai, có quyền lợi của nhà đầu tư, sẽ giúp TP.HCM đẩy nhanh được tiến độ.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết, hệ thống quy hoạch liên quan đến lĩnh vực giao thông bao gồm quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Việc thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của TP.

Hiện khu vực phía Nam đã hoàn thành 2/6 đường cao tốc, đang xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chưa được nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín, chỉ hoàn thành 13,75 km/64,1km, các đường Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Các tuyến metro số 1 và 2 vẫn chưa hoàn thành. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tuyến BRT số 1 được triển khai đầu tư trong dự án Phát triển Giao thông xanh TPHCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Các tuyến còn lại chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, công tác quy hoạch giao thông vận tải của TPHCM, bên cạnh việc bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, cần có những ý tưởng đột phá, sáng tạo và nâng cao chất lượng quy hoạch cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của TP trong tương lai với tầm nhìn dài hạn.

Bộ GTVT đánh giá, mấu chốt là giữa quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực chưa tương xứng, TPHCM đang gặp phải tình trạng nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại người dân đang vượt và sẽ vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống, ùn tắc giao thông không chỉ xuất hiện trong đô thị mà trên các tuyến quốc lộ, hàng không, đường biển…

Đặc biệt, TPHCM còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá, huy động nguồn lực, hành lang pháp lý còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, chưa hoàn chỉnh, thiếu tính ổn định, chưa có các chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội./.