Chủ tịch TP Hội An nói gì về việc bán vé tham quan phố cổ Hội An?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phương án bán vé tham quan phố cổ Hội An vừa công bố đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, của cả người dân địa phương lẫn du khách. Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND TP Hội An đã lên tiếng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi có thông tin về việc du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An kể từ 15/5, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, kể cả người dân địa phương lẫn du khách.

Anh Trung Quân - một tiểu thương ở phố cổ Hội An - bày tỏ: Tôi thấy khá vô lý khi du khách đến Hội An chỉ đi dạo, không vào các di tích mà vẫn mua vé. Theo tôi, chỉ nên thu khi du khách đi vào các điểm di tích như cũ.

Ông Tấn Trung - cũng sinh sống ở phố cổ Hội An - thì chia sẻ: Tôi nghĩ, vô Hội An chỉ để đi dạo, ăn tô mỳ Quảng, uống ly cà phê vỉa hè mà cũng phải trả phí đến 80.000 đồng/người thì vô lý quá.

Cũng là một người dân ở phố cổ Hội An, chị Kim Oanh cho rằng nếu áp dụng quy định này thì lượng khách đi vào phố cổ sẽ ít đi. Như vậy chỉ còn khách du lịch thật sự có nhu cầu tham quan Hội An mới đến. Phố cổ Hội An không phải là một điểm du lịch đóng, mà là khu đô thị có cư dân, có sự giao lưu giữa người dân sống ở đây với các nơi khác. Việc phân luồng du khách và người dân để thu vé sẽ làm chết đi cái hồn và văn hoá vốn có của phố cổ Hội An.

Là người từng đến Hội An không dưới 20 lần, anh Nguyễn Hoàng Quân ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho rằng: Việc chính quyền Hội An đòi thu phí vào phố cổ, e rằng sẽ dẫn đến chỉ vài tháng tới là lượng khách sẽ giảm rõ rệt. Đang suy thoái kinh tế mà lại đòi thu phí!

Vẫn đang là dự thảo

Trước ý kiến của dư luận về việc thu vé tham quan phổ cổ Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết: Vấn đề bán vé tham quan khu phố cổ Hội An và bố trí lối đi cho du khách riêng, cho người dân riêng, hiện mới chỉ là dự thảo.

"Kế hoạch đưa ra như vậy nhưng để triển khai, chính quyền địa phương còn phải họp với các đơn vị lữ hành, lấy ý kiến của chính các cư dân trong khu phố cổ. Tôi khẳng định TP không yêu cầu tất cả mọi người khi vào khu phố cổ phải mua vé. Người thân của bà con sinh sống trong khu phố cổ có thể ra vào thăm hỏi mà không phải mua vé" - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc tổ chức bán vé tham quan phố cổ Hội An được thực hiện từ năm 1992 đến nay và được đẩy mạnh hơn sau khi phố cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999.

"Việc bán vé tham quan phố cổ Hội An được thực hiện theo Luật Di sản, Nghị định 109 và Quy chế quản lý bảo tồn trùng tu phố cổ Hội An của HĐND tỉnh Quảng Nam, cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thu phí. Lâu nay Hội An chỉ bán vé cho khách có nhu cầu tham quan các di tích, còn những khách trong nước tham quan không có nhu cầu, TP cũng không ép" - ông Sơn nói.

Du khách đi thuyền trên sông Hoài, TP Hội An

Du khách đi thuyền trên sông Hoài, TP Hội An

Về việc giá vé, ông Sơn cho rằng, các di sản khác đều bán vé chứ không riêng Hội An. Chỉ du khách trong nước có ý kiến về vấn đề giá vé, chứ khách nước ngoài không có ý kiến gì.

"Hội An nhiều năm qua không nghiêm việc này, chỉ bán vé cho những khách có nhu cầu tham quan 6 di tích với giá vé cũng thấp (120.000 đồng/khách nước ngoài, 80.000 đồng/khách trong nước), doanh thu từ bán vé tham quan cũng dành cho việc trùng tu các di tích. Nếu nói mức giá vé cao, thì ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng 70.000 đồng/vé, trong khi không thể so sánh với khu phố cổ được. Ngoài ra, tôi còn biết nhiều địa phương có di tích cũng bán vé với mức giá ngang hoặc cao hơn phố cổ Hội An" - ông Sơn chia sẻ.

“Sau 2 năm đại dịch COVID-19, du lịch phục hồi, lượng khách đến Hội An rất đông, đặc biệt khách quốc tế. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị lữ hành không đưa vé tham quan Hội An vào tour, mà đưa khách tới Hội An rồi thả họ vào phố cổ, không hướng dẫn tham quan.

"Vì vậy TP Hội An tăng cường biện pháp đảm bảo công bằng cho người mua vé, cũng như cho chính khách tham quan. Nhiều năm qua, tình trạng thất thoát vé tham quan phố cổ trở thành vấn đề khiến doanh thu ngành du lịch Hội An bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - ông Sơn chia sẻ.

Không “ngăn sông cấm chợ”

Trước phản ứng đa chiều của dư luận, Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng định, phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An không phải địa phương chặn để "tận thu", như một số trang mạng xã hội thông tin.

"Hội An không “ngăn sông cấm chợ”. Người dân Đà Nẵng hay Quảng Nam đến Hội An để ăn cao lầu, uống cà phê thì không cớ gì để mua vé. Tuy nhiên, những tour trong nước cũng như khách quốc tế khi đến Hội An phải mua vé để ủng hộ địa phương" - Chủ tịch UBND TP Hội An nhấn mạnh.

Ông Sơn cho biết thêm, trước khi xây dựng phương án, TP Hội An đã khảo sát thực tế và tham khảo ý kiến người dân khu phố cổ. Từ khi ban hành đến khi triển khai còn nhiều cuộc họp với các đơn vị lữ hành, lắng nghe ý kiến đơn vị kinh doanh, họp với người dân khu phố cổ để thống nhất phương án phân luồng. Sau đó, địa phương sẽ họp báo để làm rõ cách thực hiện.

Trước đó, UBND TP Hội An đã ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Trong đó, từ ngày 15/5, TP Hội An sẽ tiến hành phân luồng lối ra vào khu phố cổ Hội An tại các trục đường chính theo 2 lối đi, dành cho người dân địa phương và dành cho du khách.

Một góc Chùa Cầu phố cổ Hội An

Một góc Chùa Cầu phố cổ Hội An

Bên cạnh việc phân luồng, từ ngày 15/5, UBND TP Hội An quy định tất cả du khách tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tại các quầy vé với mức giá 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian bán vé tham quan từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè và từ 7h30 đến 21h vào mùa đông.

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này…