Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Đa Chiều |
Tờ Đại kỷ nguyên, tờ báo lớn tiếng Trung tại Mỹ ngày 16/9 cho rằng vụ án mua bán phiếu bầu ở tỉnh Liêu Ninh trở thành sự kiện quan trọng trong chống tham nhũng hiện nay của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
45 người trong số 102 đại biểu Quốc hội của tỉnh Liêu Ninh đã bị hủy bỏ tư cách đại biểu; 523 người trong số 619 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh phải từ chức hoặc bị bãi miễn do dính dáng đến mua phiếu bầu, điều này khiến cho Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh không thể tổ chức họp.
Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc cho rằng, đây là vụ án mua bán phiếu bầu cấp tỉnh lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đến nay, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật, số người liên quan rất nhiều, tính chất tồi tệ, tình tiết nghiêm trọng.
Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ cho rằng, trong một hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, ông Trương Đức Giang đã dùng 3 “thách thức” và 2 “giới hạn” để hình dung tính nghiêm trọng của vụ mua phiếu bầu này, cho rằng “điều này đã chọc thủng giới hạn cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đã thách thức “uy tín và tôn nghiêm của pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Trang tin Caixin Trung Quốc cũng cho rằng mua bán phiếu bầu đã đụng chạm đến "giới hạn cầm quyền của Đảng". Triển khai xét xử vụ án này tiếp tục cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Trung ương Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/9 cho rằng, chế độ đại hội đại biểu nhân dân là chế độ chính trị cơ bản của Trung Quốc, là chế độ thích ứng với tình hình đất nước của Trung Quốc. Bất cứ hành động nào làm suy yếu chế độ này đều phá hoại nền tảng quản lý đất nước của Trung Quốc, thậm chí phá hoại triệt để "dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc của Trung Quốc".
Việc môi giới chủ yếu của mua chuộc cử tri là tiền. Chế độ của Trung Quốc không cho phép tiền dính dáng đến chính trị. Đây là một nguyên tắc lớn. Nhưng hiện thực xã hội Trung Quốc cho thấy những thách thức đối với chế độ này không ngừng nổi lên.
Việc mua bán phiếu bầu xuất hiện từ khi Trung Quốc bước vào nền kinh tế thị trường không lâu. Nếu không thể ngăn chặn hiện tượng này, phương hướng chính trị của Trung Quốc sẽ mất đi sự bảo đảm mang tính nền tảng.
Bởi vì, người ta có thể dùng tiền để mua chức chủ tịch thành phố, bí thư, từ đó làm cho các chính sách kinh tế và xã hội của nhà nước bị chi phối bởi đồng tiền, "tính chất xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc" sẽ bị biến mất.
Tờ Đại kỷ nguyên thì cho rằng, việc xét xử vụ án này phần nào cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đang có một trạng thái mới, đã bước vào giai đoạn mới.
Chống tham nhũng không có vùng cấm, cho dù liên quan đến sự vận hành bình thường của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cho dù có thể ảnh hưởng đến tình hình chính trị địa phương nhất thời, chống tham nhũng vẫn "không khoan nhượng".
Việc xét xử vụ án mua chuộc phiếu bầu ở tỉnh Liêu Ninh có tác dụng sâu xa: Trước hết, tỉnh Liêu Ninh là "sào huyệt lớn" của những người đi theo nhà lãnh đạo cũ, các quan chức cao cấp như Lý Trường Xuân, Chu Vĩnh Khang, Bạch Hy Lai, Từ Tài Hậu, Vương Mân, Trần Chính Cao đều từng nắm giữ Liêu Ninh và đã gây dựng lên rất nhiều thân tín, hình thanh "phe Liêu Ninh".
Nhà cầm quyền Trung Quốc thông qua vụ án mua bán phiếu bầu ở tỉnh Liêu Ninh để vén bức màn đen tối chốn quan trường của Liêu Ninh, làm trọng thương và thanh trừng toàn diện thế lực tại Liêu Ninh.
Điều này đã tạo ra một hiệu ứng làm mẫu cho việc thanh trừng các hang ổ của nhà lãnh đạo cũ trên nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc, có tác dụng răn đe to lớn đối với các thế lực còn đi theo con đường chống lại ông Tập Cận Bình.
Thứ hai, ông Tập Cận Bình thông qua xét xử vụ án mua chuộc phiếu bầu ở Liêu Ninh nhằm thanh trừng hệ thống ảnh hưởng của "phe đối lập" hiện nay vốn đi theo nhà lãnh đạo cũ, qua đây cảnh cáo, làm suy yếu ảnh hưởng của thế lực cũ. Đây là đòn tấn công quan trọng vào các thế lực cũ.
Thứ ba, ông Tập Cận Bình muốn tiến hành cải cách chế độ đại biểu nhân dân ở Trung Quốc, việc xét xử vụ án này đã cho thấy tín hiệu thay đổi chính trị sâu xa.
Hiệu ứng chấn động của vụ án này đang tiếp tục lan rộng, do đó các sự kiện quan trọng trên chính trường Trung Quốc sẽ liên tục xuất hiện - tờ Đại kỷ nguyên cuối cùng dự đoán.
Về vụ án này, nhà phân tích cao cấp Lý Văn từ Hồng Kông cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình cơ bản đã kết thúc ở cấp Trung ương, tiếp theo sẽ tập trung vào tiến hành chống tham nhũng ở cấp tỉnh, thành phố.
Hơn nữa, công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được khởi động, việc điều chỉnh nhân sự sẽ liên quan đến các cấp từ Trung ương đến địa phương. Việc xét xử vụ án mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh mới chỉ là sự khởi đầu.