Được biết, Báo cáo nhận định Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô theo Quyết định số 1829/2015/QĐ-TTg của Trung tâm nghiên cứu BIDV đưa ra dựa trên cơ sở thông tin thu thập được và sau đó đã có quá trình nghiên cứu xử lý.
Trong báo cáo của mình, BIDV cũng cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như mới chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp, một số mục tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được sau 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô hay thực tế chính sách thay đổi quá nhanh và không nhất quán.
Theo đó, chính sách giữa các bộ ngành liên quan đến công nghiệp ô tô không nhất quán. Cụ thể, Bộ công thương ủng hộ phát triển công nghiệp ô tô trong khi Bộ Giao thông Vận Tải và Bộ Tài chính lại muốn hạn chế tiêu dùng vì nỗi lo quá tải hệ thống giao thông. Điều này dẫn tới các hệ thống thuế, phí chồng chéo nhau và giữa các Bộ không có sự liên thông.
Một ví dụ cũng được BIDV dẫn chứng là, Nhà nước một mặt kêu gọi phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và giảm giá xe nhưng lại đề ra chính sách hạn chế sử dụng xe ô tô bằng cách áp thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xe 24 chỗ ngồi trở lên và xe tải).
Dựa trên các phân tích của mình, BIDV đã đề xuất Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sớm xây dựng đồng bộ chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản. Nghiên cứu giải pháp đột phá trong việc lựa chọn dòng xe nào phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, phù hợp với đặc điểm về hạ tầng giao thông và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như có khả năng cạnh tranh và hội nhập để phát triển thành dòng xe chủ lực.
BIDV cũng cho rằng, kinh nghiệm của một số nước có ngành công nghiệp ô tô sinh sau đẻ muộn nhưng đã rất thành công ở châu Á và ASEAN như Thái Lan và Indonesia nhờ lựa chọn đúng dòng xe ưu tiên phát triển. Cụ thể là dòng xe bán tải ở Thái Lan và dòng xe đa dụng đến 9 chỗ ngồi tại Indonesia.
Cũng theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, thời gian duy trì ổn định chính sách của Việt Nam nên được xem xét, cân nhắc kéo dài trong khoảng 15-20 năm, bởi theo các nhà sản xuất ô tô, việc lên kế hoạch sản xuất và kinh doanh hay đầu tư thường phải tính tới mức thời gian tối thiểu là 5 năm.
Trung tâm Nghiên cứu BIDV cũng kiến nghị, Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các chính sách thuế, phí phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế nhưng phải đảm bảo quyền lợi và sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.
Với Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ cho nhà sản xuất, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét thông qua các định chế tài chính ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng như việc khuyến khích người dân sử dụng xe ô tô thân thiện với môi trường, xe ô tô trong nước sản xuất.
Cũng với mục tiêu tham gia vào quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô, BIDV dự tính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ ngân hàng trọn gói từ khâu nhập khẩu, sản xuất và tiêu thụ với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng với các chi phí cạnh tranh như dịch vụ thu hộ và điều chuyển vốn tự động, chuyển tiền, mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế, hợp tác trong các sản phẩm dịch vụ bán lẻ…
Việc cung cấp các sản phẩm đặc thù cho ngành công nghiệp ôt ô tiếp nối một số sản phẩm đang triển khai như tài trợ đại lý kinh doanh ô tô, cho vay mua ô tô… để doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này cũng được BIDV đề cập tới trong vai trò của mình khi tham gia vào phát triển ngành ô tô.
Ngoài ra ngân hàng này cũng có kế hoạch xây dựng các gói tín dụng phù hợp với khả năng cung ứng của BIDV và nhu cầu của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối khách hàng/đại lý, hỗ trợ quảng bá thương hiệu để nâng cao sức tiêu thụ các sản phẩm ô tô nội địa.
Theo Đầu Tư
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu