Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.
Vướng mắc hiện nay của dự án này chính là gói vay bổ sung 250 triệu USD (do đội vốn) vẫn chưa được Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) “gật đầu” để giải ngân cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT), hiện tại, nguồn vốn vay Trung Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để giải ngân cho dự án gồm Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua cần được gia hạn và Hiệp định ưu đãi bổ sung cần được ký kết vẫn đang được các cơ quan phía Việt Nam và Trung Quốc đàm phán để ký kết chính thức.
Cũng theo ông Thành: “Việc chưa ký kết được gia hạn 1 Hiệp định và ký bổ sung 1 Hiệp định chắc chắn tác động đến tiến độ thực hiện dự án. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị thầu phụ huy động nguồn lực tài chính tự có để thực hiện, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình đàm phán hiện cũng được các bộ, ngành giúp đỡ. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết xong gia hạn Khoản vay ưu đãi bên mua và Khoản vay bổ sung trước cuối tháng 3 này, từ đó có điều kiện giải ngân đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công”.
Tuy vậy, việc thúc đẩy Hiệp định ký kết bổ sung nguồn vốn vay từ China Eximbank còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ, ngành của Việt Nam và đặc biệt là đối tác từ phía Trung Quốc, nên cuối tháng 3 này khó có thể đạt được thỏa thuận. Bởi, số vốn hơn 250 triệu USD tăng thêm cho dự án này đã được thống nhất cách đây hơn 4 năm, nhưng đơn vị cho vay là China Eximbank dường như vẫn chưa thông qua.
Được biết, để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông với chiều dài 13km này sẽ cần 658 nhân sự để phục vụ, trong đó có 55 lái tàu.