Cách đây 8 năm, VPF đã ký biên bản ghi nhớ, cam kết kể từ năm 2013 trở đi sẽ khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu với giá trị tối thiểu là 50 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), nghĩa là tăng gấp khoảng 8 lần so với thời kỳ AVG nắm giữ bản quyền truyền hình. Đó được đánh giá là “dấu ấn” đầu tiên của VPF.
Cùng vạch xuất phát
Để có bản quyền Thai-League trong vòng 3 năm (2011-2013), True Vision và Siam Sport đã phải bỏ ra cho BTC Thai-League một số tiền là 40 triệu baht (tương đương 27,5 tỷ đồng) trong năm đầu tiên. Gói bản quyền này sẽ được tăng thêm 16 triệu baht sau mỗi năm và sẽ trở thành 72 triệu baht vào năm 2013 (tương đương 49,5 tỷ đồng). Như vậy sau 3 năm, bản quyền truyền hình Thai-League dự kiến sẽ tăng lên gấp 1,8 lần và tượng đương V.League.
Thai-League đứng thứ 6 châu Á về số lượng khán giả đến sân. Ảnh FAT
|
Đến nay, VPF chỉ thu về vỏn vẹn vài tỷ đồng bản quyền truyền hình V.League từ đối tác Next Media. Các kênh truyền hình phát sóng trực tiếp các trận đấu V-League phải trả cho đối tác và nhà tài trợ của VPF bằng hình thức quảng cáo. Việc các trận đấu tại V.League luôn xuất hiện scandal như “đình công tập thể” trên sân Thống Nhất của Long An, khán giả Nam Định đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy, hay “những tiếng còi kỳ quặc” của trọng tài khiến bản quyền truyền hình V-League mất giá.
Trước đây đối tác MP&Silva, thường có bản quyền EURO, Wolrd Cup và Premier League đã từng có ý muốn sở hữu bản quyền V-League. Nhưng đến phút chót họ quyết định từ chối Việt Nam để quay sang ký bản hợp đồng tiền tỉ với giải vô địch Malaysia. Theo tìm hiểu của VietTimes thì MP&Silva muốn độc quyền nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ việc thương thảo, phân phối với các nhà đài trong nước và trong khu vực khác. Nhưng tại Việt Nam, để phục vụ người hâm mộ, các đài truyền hình địa phương có quyền được phát trực tiếp các trận đấu của đội bóng tỉnh mình.
Trở lại câu chuyện bản quyền truyền hình của Thai-League, nơi được được đánh giá là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Ngoài việc tổ chức bài bản, chất lượng chuyên môn tốt, các đội bóng Thai League cũng rất chú trọng xây dựng hình ảnh, bao gồm cả sân đấu.
Thai-League thu hút các ngoại binh giỏi. Ảnh FAT
|
FAT vượt hẳn lên
Kênh truyền hình True Vision sẽ hết bản quyền vào cuối mùa giải năm nay. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đang chào bán gói thầu bản quyền truyền hình 8 mùa giải tiếp theo của 16 CLB đang chơi ở hạng đấu cao nhất của Thái Lan. Theo đó, giá khởi điểm mỗi mùa giá không thấp hơn con số 50 triệu USD.
Hiện nay, ngoài True Vision còn có 2 đối thủ (1 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp nước ngoài) đang chạy đua để giành bản quyền Thai-League. Thai-League được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đánh giá là tổ chức bài bản, chất lượng chuyên môn tốt, các đội bóng rất quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tương tác tích cực với người hâm mộ.
Theo thống kê đến cuối năm 2019, Thai-League dẫn đầu Đông Nam Á, xếp hạng 4 ở vùng Đông Á (sau các giải của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời đứng trên cả giải vô địch Australia). Giải vô địch Philippines và V-League của Việt Nam xếp các thứ hạng 2 và 3 tại Đông Nam Á, đứng hạng 6 và 7 vùng Đông Á.
Trong tốp 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, các đội bóng Thai-League chiếm đến 7 vị trí, với tổng số tiền lên đến gần 45 triệu euro. Chỉ có 2 CLB của Indonesia và 1 CLB của Malaysia chen chân được vào tốp 10 này, trong khi các giải V-League của Việt Nam và giải vô địch Philippines không có đại diện nào.
Hiệu ứng truyền thông 16 CLB Thai-League đều rất ổn. Ảnh FAT
|
Vài suy nghĩ
Chúng ta vẫn tự hào về V.League là giải hàng đầu khu vực nhưng Hoàng Vũ Samson, Xuân Trường và mới đây là thủ môn Đặng Văn Lâm sang thi đấu tại Thai-League và đều không trụ lại được. Không phải trong vòng 10 năm trở lại đây Thai-League không hề xảy ra những biến cố, khủng hoảng thậm chí có những scandal còn lớn hơn V.League.
Nhưng các nhà quản lý bóng đá Thái Lan từ FAT đến các CLB vẫn nhanh chóng biết cách tự đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ để thống trị bảng xếp hạng dành cho các giải vô địch quốc gia uy tín ở châu Á.
8 năm trời mà bản quyền truyền hình Thai-League từ 72 triệu bath/năm lên đến 1,6 tỷ bath /năm mới thấy kinh doanh bóng đá Thái Lan kiếm tiền kinh khủng như thế nào?