Tổng Cục thống kê đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 2/2020. Số liệu báo cáo cho thấy nền kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1004,2 nghìn tấn – tăng +2,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng +4,6% cùng kỳ năm 2019.
Thêm vào đó, do tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc do sản xuất tại nước này bị ngưng trệ, đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng sản xuất các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Việc đơn hàng mới (đặc biệt là đơn hàng từ Trung Quốc) giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015 cũng đã góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung cho 2 tháng đầu năm chỉ tăng +6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng +13,7% của cùng kỳ năm 2018, và +9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Vốn đầu tư FDI thực hiện trong 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước – giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua. Chỉ số CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.
Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân giảm khiến cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí cùng với giá xăng dầu giảm.
Đáng chú ý, trong 2 tháng gần dây, do tác động của bệnh dịch, có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm dừng việc kinh doanh có thời hạn – tăng +19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo quan điểm của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các số liệu thống kê trên cho thấy khó khăn mới chỉ bắt đầu.
Do diễn biến lan rộng của Covid-19 ở Hàn Quốc và các quốc gia khác, nhiều khả năng trong thời gian tới, tình hình có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, khi nguồn hàng tồn kho và dự trữ nguyên vật liệu của doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều.
“Kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc từ phía cầu – nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm, và từ phía cung – gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu” - BVSC dự báo.
Thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy vào tháng 4-5?
Theo dự báo của BVSC, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sẽ cho phản ứng hồi phục trong ngắn hạn, tuy nhiên xu hướng trung hạn vẫn giảm điểm.
Đối với chỉ số VN-Index, vùng 870-880 điểm sẽ tiếp tục đóng vai trò làm vùng hỗ trợ quan trọng. Nếu phá vỡ vùng hỗ trợ này, thị trường sẽ tiếp tục hướng xuống vùng hỗ trợ sâu hơn quanh 830-835 điểm.
Trong khi đó, báo cáo của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá độ nhạy của TTCK trong nước còn lớn hơn so với các thị trường Mỹ hay Châu Âu. Hai thực tế khó có thể chối cãi về thị trường trong tháng 2 vừa qua là: Biên độ biến động mỗi phiên lớn kể từ năm 2018 và khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp.
TTCK trong nước đã điều chỉnh sớm hơn so với các thị trường lớn trên thế giới trong khi đó tuần vừa qua mới là đợt điều chỉnh đầu tiên của TTCK Mỹ sau khi liên tiếp lập đỉnh kỷ lục.
Do vậy khả năng thị trường trong nước còn chịu tác động từ bên ngoài là khá cao, bên cạnh đó là hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Với mức giảm 5,5% trong tuần vừa qua, ảnh hưởng từ Covid-19 đã xóa sạch thành quả của TTCK Việt Nam trong năm 2019 (tăng 7,7%) với mức giảm kể từ đầu năm đã là 8,2%, thấp hơn so với mộ số thị trường trong khu vực như: Thái lan, indonesia, Philippines…
Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Nguồn: MBS)
|
Về kỹ thuật, VN-Index đã tạo một nến có dạng Hammer sau khi về mức thấp nhất trong phiên là 872 điểm cho thấy tín hiệu tích cực bởi vùng đáy cũ gần nhất của 2019 là vùng 862 điểm đang ở khá gần. Đây cũng là vùng hỗ trợ quan trọng ứng với Fibonacci retracement 50% và các vùng đáy trước đó trong năm 2018-2019 đã phản ứng khá tích cực khi về sát vùng điểm này.
Do đó, nếu về lại vùng này thì tương đương với mức VN-Index mất khoảng 12,72% (kể từ phiên 22/1) và khả năng sẽ có sóng hồi sau mỗi nhịp giảm khoảng 13% trở lên, chỉ số sau đó thường hồi phục từ 10%-15%.
Trong kịch bản thận trọng, nếu vùng hỗ trợ 860 - 862 điểm không giữ được, khi đó ở phía dưới sẽ là khoảng trống và mốc 800 điểm có thể là vùng được chú ý.
Về thời điểm, các chuyên gia MBS cho rằng các tác động đến thị trường sẽ nhanh chóng giảm bớt khi các quốc gia hợp tác ngăn chặn được dịch bệnh nhất là kỳ vọng vào khả năng sớm kiềm chế dịch tại một số quốc gia mới bùng phát như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran, Mỹ…
Điểm đáng mừng đó là đã có những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc (số ca nhiễm mới thấp hẳn trong khi số người khỏi tăng nhanh). Do đó, khi các nước đã nhận thức được thì vấn đề kiểm soát chỉ còn là thời gian.
Về tính chu kỳ, giống như dịch Sars khả năng Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao trên 30 độ C và khả năng cao sẽ rơi vào tháng 6 đến tháng 7.
“Tuy nhiên, thị trường thường chứng khoán thường phản ứng sớm hơn do đó kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5” - MBS dự báo./.