Chip bán dẫn: Cuộc đấu địa chính trị giữa các siêu cường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong một thế giới 'tràn ngập' dữ liệu, chất bán dẫn đã trở thành tâm điểm trong cuộc đấu giữa các siêu cường quốc. 

Vật liệu bán dẫn đã trở thành một lĩnh vực cạnh tranh nóng bỏng giữa các siêu cường (Ảnh: Nikkei)
Vật liệu bán dẫn đã trở thành một lĩnh vực cạnh tranh nóng bỏng giữa các siêu cường (Ảnh: Nikkei)

Năm 2022, thế giới dường như nhận ra rằng chất bán dẫn có thể trở thành loại 'dầu mỏ' mới, thay vì dữ liệu, theo Bloomberg.

Không giống như dầu, dữ liệu hết sức dồi dào và rẻ. Giá trị thực của nó nằm ở khả năng xử lý và phân tích, bởi vậy mà vai trò của các loại chip càng trở nên thiết yếu. Đại dịch đã khiến cho phần lớn thế giới nhận ra rằng, cuộc sống sẽ trở khó khăn như thế nào nếu thiếu chip.

Đối mặt với nhu cầu giảm mạnh trong năm 2020, nhiều hãng chế tạo xe hơi và công ty khác phải hủy đơn đặt hàng chip vốn được sử dụng để lắp đặt cho các sản phẩm của mình. Các công ty thiết bị điện tử tiêu dùng nhập cuộc và tiêu thụ phần lớn nguồn cung dư thừa.

Sau đó, khi nhu cầu bất ngờ tăng trở lại, các hãng chế tạo xe hơi không thể có đủ thiết bị mà họ cần. Thêm nữa, sự gián đoạn nguồn cung càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Phần lớn lượng chip đó đến từ Đài Loan. Và rồi cuộc chiến ở Ukraine xuất hiện. Chiến lược quân sự mà Nga phát động ở Ukraine đã làm nổi bật sự dễ tổn thương của Đài Loan – nơi Trung Quốc vẫn coi là một phần không thể tách rời của họ.

Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, hiệu ứng domino mà nó mang lại sẽ rất khó lường. Apple sẽ chật vật đảm bảo nguồn cung chip cho các mẫu iPhone. Sự việc cũng sẽ tác động tới Nvidia, hay Infineon Technologies, bên chế tạo vi điều khiển cho nhiều mẫu xe của hãng Volkswagen và nhiều bên khác.

Nếu như trong năm 2021 đã nêu bật những hậu quả ghê gớm của sự gián đoạn dù là nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng, thì năm 2022 đã cho thấy mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ đến mức nào: Một vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra một vấn đề địa chính trị cấp thiết chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.

Đứng trước tình trạng này, Mỹ và châu Âu đã phản ứng bằng các chương trình tài trợ quy mô lớn.

Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ sẽ cung cấp khoảng 50 tỉ USD để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. EU đang xúc tiến gói hỗ trợ 43 tỉ euro (45 tỉ USD) của họ, đặt mục tiêu sản xuất 20% tổng lượng chip của toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Đài Loan và các bên khác được cho là sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Khía cạnh thứ hai của chiến lược mà Mỹ áp dụng chính là tạo ra các rào cản.

Trong tháng 10/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các biện pháp cấm xuất khẩu tới Trung Quốc, không chỉ có chip được sử dụng trong máy tính công nghệ cao, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mà cả các trang thiết bị được sử dụng để chế tạo ra chúng.

Mỹ có lợi thế đáng kể so với Trung Quốc xét về lĩnh vực chip. Nhưng nếu họ hành động quá mức để kiềm chế cường quốc đang trỗi dậy ở châu Á, căng thẳng leo thang xung quanh Đài Loan sẽ càng khiến cho Mỹ phải tăng cường tự sản xuất trong nước./.

Theo Bloomberg