Ngư lôi "Thảm họa" của Houthi: Công nghệ Mỹ nằm trong tay kẻ thù?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhóm phiến quân Houthi mới đây đã cho ra mắt một loại ngư lôi mới, và theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, mẫu ngư lôi này trông rất quen thuộc.

Ảnh chụp màn hình hiển thị một quả ngư lôi trong video được Trung tâm truyền thông Houthi chia sẻ vào ngày 27/10 (Ảnh: BI)
Ảnh chụp màn hình hiển thị một quả ngư lôi trong video được Trung tâm truyền thông Houthi chia sẻ vào ngày 27/10 (Ảnh: BI)

Nhóm chiến binh này mới đây đã công bố một đoạn video giới thiệu loại vũ khí mới mang tên Al Qar'iah, hay “Thảm họa”.

Nhóm Houthi không nổi tiếng với khả năng kỹ thuật cao, nhưng các chuyên gia khi xem xét video đã nhận thấy những điểm tương đồng của loại ngư lôi trên với một loại vũ khí của Mỹ, cụ thể là một drone hải quân đã bị thu giữ nguyên vẹn vào năm 2018.

Mặc dù chưa thể phân tích một cách chi tiết, song sự xuất hiện của loại ngư lôi này có khả năng cho thấy thiết bị quân sự của Mỹ đã bị mổ xẻ để tìm hiểu công nghệ, từ đó được đối thủ sử dụng để chế tạo vũ khí mới.

Martin Kelly, chuyên gia từ công ty tư vấn an ninh EOS Risk Group ở Anh, cho biết ngư lôi này có thể được Houthi phát triển dựa trên mẫu drone REMUS 600 của Mỹ, đã bị mất vào năm 2018. Các hình ảnh mà Houthi công bố vào thời điểm chiếc drone bị mất dường như đã xác nhận rằng họ đã thu giữ thiết bị này, với tên của các công ty quốc phòng phương Tây vẫn còn hiển thị rõ ràng trên thân máy.

Theo ông Kelly, các nhà khoa học Iran có thể đã biến thiết bị bị thu giữ này thành một "bản thiết kế" cho loại vũ khí tự chế mà Houthi vừa công bố.

Công xưởng sao chép của Tehran

"Iran có khả năng đã sao chép REMUS 600 và gửi các bộ phận trở lại cho Houthi để lắp ráp", ông Kelly cho hay.

Iran từ lâu đã là nguồn cung cấp hỗ trợ an ninh cho Houthi, bao gồm vũ khí, huấn luyện và tình báo. Hiện nay, Iran đóng vai trò là nhà cung cấp chính cho nhóm này, giúp họ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Mohammed Albasha, chuyên gia an ninh Trung Đông hiện đang sinh sống tại Mỹ, cũng đưa ra nhận định tương tự. Ông nhấn mạnh rằng Iran có tiền lệ trong việc sao chép công nghệ của Mỹ, dẫn chứng qua các ví dụ như tên lửa Toophan, phát triển từ tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, hay hệ thống phòng không Mersad, có nguồn gốc từ hệ thống MIM-23 Hawk.

Một ví dụ đáng chú ý khác là drone Shahed, được thiết kế dựa trên mẫu RQ-170 Sentinel của Mỹ. Hiện nay, các drone Shahed được Nga sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột tại Ukraine, điều này phản ánh sự gia tăng hợp tác giữa Tehran và Moscow.

Các nguồn vũ khí từ Iran đóng vai trò thiết yếu trong những cuộc tấn công gần đây của Houthi trên Biển Đỏ. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết vào tháng 7 rằng Houthi đã sử dụng vũ khí từ Iran trong hơn 100 cuộc tấn công. Đồng thời, từ năm 2015 đến nay, Mỹ và các đồng minh đã ngăn chặn ít nhất 20 tàu Iran vận chuyển công nghệ cấm, bao gồm linh kiện tên lửa, drone và nhiều loại vũ khí khác chuyển tới Houthi.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều thống nhất về nguồn gốc của loại ngư lôi này. Farzan Sabet, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Geneva, đã đưa ra một giả thuyết khác. Ông cho biết chiếc ngư lôi trông giống như các mẫu được trưng bày trong một triển lãm hải quân Iran tại Tehran vào tháng 12/2023.

Ông cũng nhận định rằng một số đặc điểm của ngư lôi không hoàn toàn giống với REMUS 600, và có thể rằng những người chế tạo nó đã tham khảo từ mẫu drone bị thu giữ chứ không sao chép toàn bộ chức năng của nó. Ông cho rằng ngư lôi này "đơn giản hơn nhiều" so với bất kỳ thiết bị nào của Mỹ.

20e263b395b4cab0db993e376e94671c.jpg
Một đoạn video không ghi ngày tháng do lực lượng Houthis công bố vào năm 2018 cho thấy thứ dường như là drone REMUS 600 của Mỹ (Ảnh: Getty)

Khai thác điểm yếu

Hiện vẫn chưa rõ loại ngư lôi mới này sẽ mang lại sự khác biệt gì cho Houthi. Trên thực tế, nhóm này đã sử dụng nhiều loại drone tấn công một chiều, drone hải quân và tên lửa chống hạm để nhắm vào tàu thương mại cũng như tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ. Các cuộc tấn công này nằm trong chiến dịch gây sức ép lên Israel và phương Tây kể từ khi xung đột tại Gaza bùng phát.

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, Houthi đã tiến hành hơn 190 cuộc tấn công hoặc đe dọa đối với lực lượng hải quân Mỹ và các tàu khác, gây ra gián đoạn giao thông hàng hải quốc tế và gia tăng rủi ro trên các tuyến đường vận tải quan trọng.

Để ứng phó với tình hình căng thẳng do Houthi gây ra và bảo đảm an toàn cho tuyến đường vận tải chiến lược, hải quân Mỹ cùng các đồng minh đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Chuyên gia phân tích Mohammed Albasha nhận định rằng ngư lôi “Thảm họa” dường như quá nhỏ để gây thiệt hại lớn cho một tàu chiến Mỹ được trang bị giáp bảo vệ.

Tuy nhiên, ngay cả một ngư lôi cỡ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu trúng vào vị trí yếu của tàu.

Ông nói: "Một cú đánh chính xác có thể làm ngập nước nghiêm trọng, tê liệt các hệ thống thiết yếu hoặc giảm khả năng điều khiển của tàu, buộc nó phải ngừng hoạt động. Mặc dù khả năng đánh chìm một chiến hạm là rất khó, nhưng những cuộc tấn công như vậy vẫn có thể khiến tàu tạm thời không thể hoạt động, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của hạm đội và tinh thần của thủy thủ".