Trong tuần này, chính phủ Singapore đã 2 lần có hành động đối với các đoạn tin trên mạng xã hội Facebook mà họ cho là có chứa "thông tin sai sự thực", lần đầu tiên vận tới bộ luật chống thông tin giả kể từ khi nó có hiệu lực hồi tháng trước.
Trường hợp đầu tiên là một đoạn thông tin đăng tải trên Facebook bởi một chính trị gia đối lập, người đặt câu hỏi về cách quản lý các quỹ đầu tư thuộc quyền quản lý của nhà nước cùng một số quyết định đầu tư. Trường hợp còn lại là thông tin được đăng tải trên blog của Australia cho rằng, cảnh sát Singapore bắt giữ một người đã "vạch trần" việc một ứng viên chính trị gia nhập tôn giáo.
Trong cả hai trường hợp, giới chức Singapore chỉ thị tác giả bài viết cần phải đăng cả phản bác của phía chính quyền trên đầu của bài viết. Thông cáo của chính phủ liên quan đến 2 trường hợp này đều đính kèm ảnh chụp bài viết gốc bị dán nhãn "Sai sự thực".
Trong lúc công bố Luật ngăn ngừa sai lệch và thao túng tin tức trên mạng (POFMA) hồi đầu năm nay, chính phủ Singapore nói rằng đạo luật này là cần thiết để ngăn chặn những thông tin sai sự thực và đoạn tin hàm chứa nội dung thù hằn trên không gian mạng.
Hai trường hợp tung tin sai sự thực được xử lý ra sao?
Phần hình ảnh đính kèm trong tuyên bố mà chính phủ Singapore đưa ra về thông tin sai sự thực trong bài viết của ông Bowyer (Ảnh: CNN)
|
Trong bài viết gốc đăng tải trên Facbook, ông Brad Bowyer - một thành viên của đảng đối lập ở Singapore - chỉ trích quỹ nhà nước Temasek vì đầu tư vào thứ mà ông mô tả là một công ty nhà hàng "ngập trong nợ nần". Bài viết của người này cũng đưa ra câu hỏi về các quyết định đầu tư của GIC - quỹ đầu tư nhà nước Singapore.
Chính phủ Singapore nói rằng các cáo buộc này là "sai sự thực". Họ cũng nêu rõ rằng ông Bowyer nói ám chỉ rằng giới chức Singapore gây ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của quỹ nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ Singapore cũng nói rằng bài viết của ông Bowyer giúp họ đưa ra những quyết định hợp lý hơn khi xét duyệt các vị trí trong ban quản lý quỹ trong tương lai.
Ông Bowyer sau đó đã chỉnh sửa nội dung bài viết sao cho phù hợp với quy định mới của chính phủ, nói rằng bản thân ông không có vấn đề gì khi tuân thủ bộ luật mới.
Trong trường hợp thứ hai, trang tin có tên States Times Review bị cáo buộc tung tin sai sự thực về vụ bắt giữ một "người thổi còi", người đã vạch trần một ứng viên chính trị có liên hệ với đảng cầm quyền Singapore tham gia vào một tôn giáo - vốn là vấn đề gây tranh cãi ở một quốc gia có nhiều nhóm thiểu số và tôn giáo. Trang tin trên, có khoảng 50.000 người theo dõi trên Facbook, đã bị chặn ở Singapore, còn tung tin rằng "các cuộc bầu cử ở Singapore có gian lận".
Chính phủ Singapore nói rằng bài viết này "sai sự thực và vô căn cứ", thêm rằng không có vụ bắt giữ nào cả. Họ cũng cáo buộc States Times Review đưa ra "những cáo buộc thô thiển" nhằm vào Thủ tướng Singapore và tiến tình bầu cử của Singapore.
Không giống với ông Bowyer, States Times Review không tuần theo chỉ thị chỉnh sửa nội dung bài viết của chính phủ, bởi họ có trụ sở ở Australia. Chính phủ Singapore sau đó yêu cầu Facebook đăng tải thông tin đính chính về bài viết, đồng thời tuyên bố có thể mở cuộc điều tra nhằm vào chủ biên của tờ này là Alex Tan.
Những hình phạt nghiêm khắc
Chính phủ Singapore cho rằng đạo luật là cần thiết để bảo vệ xã hội đa dạng của họ (Ảnh: Getty)
|
Một tháng trước khi bộ POFMA được thông qua, một người đàn ông bị cáo buộc thực hiện vụ xả súng hàng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của New Zealand, và bản tuyên ngôn cực đoan về thuyết người da trắng thượng đẳng của kẻ này xuất hiện tràn lan trên Internet.
Trong lúc giới lãnh đạo thế giới cùng các công ty công nghệ cam kết sẽ ngăn chặn nội dụng bạo lực cực đoan trên không gian mạng sau sự kiện đó, Singapore tuyên bố rằng bộ luật mới của họ là cần thiết để bảo vệ xã hội đa dạng của họ.
Theo bộ luật mới, việc phát tán "thông tin sai sự thực" mà trong đó thông tin được cho là "gây tổn hại" tới an ninh quốc gia, sự an toàn của người dân, sự bình ổn của cộng đồng hay "quan hệ bằng hữu giữa Singapore với các quốc gia khác"... là hành động vi phạm pháp luật.
Các Bộ trưởng trong nội các Singapore có thể đưa ra quyết định xem thông tin nào là sai sự thực cần bị gỡ bỏ, hay ra chỉ thị sửa nội dung bài viết có nội dung sai lệch. Họ cũng có quyền được yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook hay Google chặn các tài khoản hay trang tin phát tán thông tin sai lệch.
Chính phủ Singapore có thể khởi tố các cá nhân, với mức tiền phạt lên tới 50.000 đôla Singapore (36.000 USD) và/hoặc 5 năm tù giam vì phát tán tin sai sự thực. Trong trường hợp thông tin giả được đăng tải bằng "một tài khoản trực tuyến giả mạo hay bằng một chương trình tự động", mức phạt sẽ lên tới 100.000 đôla Singapore (73.000 USD) và/hoặc 10 năm tù giam. Các công ty bị phát hiện phát tán "fake news" có thể đối mặt với khoản tiền phạt 1 triệu đôla Singapore (735.000 USD).
"Nếu chúng ta không tự bảo vệ mình, các bên thù địch sẽ dễ dàng (sử dụng thông tin giả) để kích động các nhóm khác nhau chống lại nhau, gây bất ổn xã hội" - Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước Quốc hội khi cân nhắc về dự luật chống tin giả. Ông Lý Hiển Long nhắc lại nỗi quan ngại của nhiều nhà lập pháp rằng xã hội đa dạng của Singapore đặc biệt dễ chịu tổn thương trước những thông tin sai sự thực.
Chính phủ Singapore cũng lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình về việc thực thi bộ luật mới. Bộ Tài chính Singapore hồi đầu tuần này nói rằng, bài viết của ông Bowyer bao gồm "nhiều thông tin rõ ràng là sai sự thực, gây mất niềm tin đối với chính phủ".
Mọi người có thể "tự do đọc" bài viết gốc, phần chỉnh sửa cùng bình luận thêm của ông Bowyer và "tự quyết định xem đâu là sự thực" - một người phát ngôn của văn phòng theo dõi việc thực thi POFMA nói.
Hồi tháng 4 năm nay, thời điểm 2 ngày sau sự kiện thảm sát ở Christchurch (New Zealand) - trong đó kẻ xả súng phát trực tiếp hành động thảm sát của mình trên mạng xã hội - chính phủ Australia cũng công bố một dự luật mới trong đó cho phép giới chức nước này yêu cầu Facebook và Google gỡ bỏ nội dung bạo lực, và nếu không tuân thủ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ, thậm chí chịu án tù.
Tháng 1 năm nay, giới chức ở Fiji cũng đưa ra một dự luật tương tự nhằm phản ứng trước làn sóng có tên "revenge porn" - đăng tải clip nóng để trả thù tình.
Theo CNN