Chính phủ lưỡng lự trước mục tiêu tăng trưởng

Chính phủ đã tỏ thái độ lưỡng lự với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay sau những diễn biến ảm đạm trong nửa đầu năm.
Tăng trưởng kinh tế  nửa đầu năm nay tương đối ảm đạm. Ảnh TL
Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay tương đối ảm đạm. Ảnh TL

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ khẳng định trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu 6,7% đã đề ra; tuy nhiên cũng ngay sau đó, báo cáo lại khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đề ra “vẫn có khả năng đạt được”.

Lý giải nguyên nhân

Báo cáo cho biết, sang năm 2016, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước được. Tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại; tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.

Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%), tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7% thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Sống với kỳ vọng

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, những cải thiện trong tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ... là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cao hơn nửa đầu năm.

Việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, Chính phủ nhận định.

Do đó, nếu tất cả các ngành, các cấp ngành phấn đấu nỗ lực và có sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục các khó khăn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, đồng thời tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn có nhiều tiềm năng, như xây dựng, dịch vụ, du lịch,... thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội đề ra.

Báo cáo cho biết, lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.

Cái giá phải trả

Với tinh thần như trên, báo cáo đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành, khác với lời khẳng định “phải giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng” của các nhà lãnh đạo trong các cuộc họp Chính phủ gần đây.

Đây là động thái đáng chú ý bởi nếu cứ thúc tăng trưởng thì sẽ lặp lại cách múc thêm dầu, tăng thêm đầu tư công, tăng cho vay nợ ngân hàng bất chấp hiệu quả kinh tế mà hệ lụy đánh đổi là bất ổn vĩ mô.

Cách làm này không thể lặp lại, đặc biệt khi Chính phủ đã nhấn mạnh trong báo cáo là tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Báo cáo khẳng định, tốc độ tăng GDP đạt thấp trong nửa đầu năm nay do nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Nhận xét như vậy là chưa đủ.

Báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm vốn ngân sách nhà nước giải ngân chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ đạt 44,4% kế hoạch), vốn trái phiếu Chính phủ đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34%).

Tỷ lệ giải ngân như vậy là quá thấp. Đây chính là một trong những nguyên nhân bổ sung làm tăng trưởng thấp trong nửa đầu năm nay.

Ngoài ra, đây còn là sự lãng phí nguồn lực khi phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 83% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân nhiều.

Như vậy, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thấp trong nửa đầu năm 2016 chỉ một phần là do tác động bất lợi của tình trạng hạn hán/xâm nhập mặn, còn chủ yếu vẫn do các yếu tố chủ quan, trong đó có việc giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước quá thấp so với kế hoạch cũng như so với nhu cầu của nền nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2016 thì 6 tháng cuối năm cần tăng trưởng 7,6%. Đây là mức rất cao và không khả thi. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP 2016 của Việt Nam chỉ từ mức 6%. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% ngày càng xa vời.

Cố giữ mục tiêu này sẽ không tạo được nền tảng thuận lợi cho năm 2017 cả về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Và cái giá phải trả có thể là rất đắt đỏ xét trên kinh nghiệm những năm trước.

Theo TBKTSG