Thông báo về sự can thiệp chưa từng có tiền lệ, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói với các phóng viên rằng chinh sphur sẽ hỗ trợ 80% lương công nhân viên trong vòng ít nhất 3 tháng tới, với mức chi 2.500 bảng (2.900 USD) một tháng, tức cao hơn mức lương trung bình ở nước này.
Ông Sunak nói rằng các biện pháp mới sẽ được áp dụng với tất cả các công ty lớn và nhỏ. Biện pháp này là một phần trong một gói cứu trợ mà chính phủ tung ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Anh, trong đó bao gồm giảm thuế với tổng số tiền 30 tỷ bảng cùng các khoản nợ phi lãi suất trong vòng 12 tháng.
Trong những ngày gần đây, chính phủ Anh đã chịu nhiều chỉ trích vì không đưa ra các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn dịch COVID-19, và phải phụ thuộc vào việc người dân thực hiện tránh tiếp xúc xã hội thay vì ra lệnh đóng cửa quán bar và nhà hàng.
Phát biểu tại cùng buổi họp báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp cứng rắn hơn để thực thi tránh tiếp xúc xã hội, trong đó bao gồm đóng cửa bắt buộc các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát và phòng tập gym.
Thủ tướng Johnson nói rằng các cơ sở kinh doanh trên sẽ phải đóng cửa bắt đầu từ ngày 21/3, nhưng vẫn được phép bán thực phẩm. Ông nói bản thân ông tự tin rằng có thể “thay đổi cục diện” cuộc chiến chống virus corona chủng mới, nhưng người dân cần phải thực hiện nghiêm việc hạn chế tiếp xúc xã hội.
Ông Sunak nói rằng chính phủ Anh chưa từng công bố một chương trình nào với quy mô lớn đến vậy để trả lương cho công nhân viên mất việc do đại dịch, thêm rằng “nguồn vốn không giới hạn” luôn sẵn có.
Các khoản chi trả đầu tiên sẽ được phân bổ trong vòng vài tuần lễ, và chương trình này sẽ vận hành cho đến cuối tháng 4 năm nay.
Các công ty và công nhân viên chắc chắn sẽ “thở phào nhẹ nhõm”, Carolyn Fairbairn, tổng giám đốc Liên hiệp các ngành công nghiệp Anh, nhận định.
“Nó đánh dấu sự khởi động của chính phủ Anh trong cuộc chiến chống dịch về mặt kinh tế - một nỗ lực chung chưa từng thấy giữa chính phủ và doanh nghiệp để giúp đất nước chúng ta thoát khỏi đại dịch mà chỉ hứng tổn thất tối thiểu” – bà Fairbairn nói trong một tuyên bố.
Mike Hawes, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất xe ơi và thương nhân, nói trong một tuyên bố rằng các biện pháp trên là sự hỗ trợ to lớn với các công ty xe hơi, nhân công và gia đình của họ. Ông nói 99% ngành công nghiệp xe hơi của Anh đã ngừng hoạt động, có nghĩa rằng “tương lai của hàng nghìn doanh nghiệp đang bị đe dọa”.
Đầu tuần này, chính phủ Anh cũng công bố gói hỗ trợ khẩn cấp để giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp ở nước này, trong đó có khoản vốn vay 330 tỷ bảng, tạm ngừng thu thuế bán lẻ đối với các doanh nghiệp trong nước trong vòng 12 tháng. Các công ty cho vay thế chấp cũng nhất trí ngừng các khoản thu trong vòng 3 tháng đối với những người bị ảnh hưởng bởi virus corona chủng mới.