Trong cuộc khủng hoảng dot-com (2001-2002) và khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) có xu hướng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do chi tiêu CNTT thời điểm đó phụ thuộc nhiều vào chi tiêu vốn (CAPEX) để mở rộng, nâng cấp hệ thống phần cứng, và việc cắt giảm CAPEX là cách dễ dàng để các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.
Tuy nhiên, theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chi tiêu cho CNTT vẫn tương đối ổn định trong thời kỳ suy thoái do Covid. Nguyên nhân một phần là do sự chuyển dịch CAPEX và tăng mức độ ưu tiên cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, qua đó, tốc độ đăng ký sử dụng hạ tầng điện toán đám mây (Cloud) của các doanh nghiệp tăng vọt.
“Mặc dù quá trình chuyển đổi số và triển khai Cloud khó có thể bị đảo ngược, nhưng tăng trưởng chi tiêu cho CNTT vào năm 2023 nhiều khả năng sẽ chậm hơn so với các dự báo trước đó do kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 yếu đi khi càng gần đến cuối năm 2022”, VDSC cho hay.
Cụ thể, Gartner – một công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Mỹ – đã hạ dự báo chi tiêu cho CNTT năm 2023 gần 0,5% xuống còn 4.700 tỉ USD, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 5,1%.
Trong khi đó, IDC – công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam – dự báo chi tiêu cho CNTT của doanh nghiệp sẽ giảm tốc xuống còn khoảng 5,6% so với cùng kỳ vào năm 2023 từ mức trên 7% so với cùng kỳ của năm 2022.
Phần mềm
Theo VDSC, trong năm 2023, triển vọng chi tiêu cho thiết bị (PC/máy tính xách tay/máy tính bảng) được dự báo là khá tiêu cực do lạm phát đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Mặt khác, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng (máy chủ/lưu trữ/trung tâm dữ liệu) dự kiến ít bị ảnh hưởng hơn do các nhà cung cấp dịch vụ Mạng/Cloud sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng CNTT để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nhiệp lớn sẽ tiếp tục chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để duy trì hệ thống trung tâm dữ liệu tại chỗ hiện có.
Lĩnh vực phần mềm sẽ tiếp tục là điểm sáng của chi tiêu cho CNTT, với tốc độ tăng trưởng hai con số vào năm 2023 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị hợp đồng đã ký, và dịch vụ Cloud trong năm 2022 và sự dịch chuyển tiếp diễn của các doanh nghiệp lên Cloud.
Dịch vụ đám mây
Tương tự lĩnh vực phần mềm, thị trường dịch vụ CNTT cũng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu suất ổn định vào năm 2023 nhờ động lực tích cực của các hợp đồng ký trước.
Theo khu vực, APAC (trừ Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu, là những thị trường trọng điểm của các nhà xuất khẩu dịch vụ CNTT Việt Nam, vẫn được dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan vào năm 2023.
Các dịch vụ CNTT liên quan đến Cloud sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, trong khi các dịch vụ CNTT truyền thống sẽ đi ngang trong tương lai.
Thực tế rằng, các công ty dịch vụ CNTT của Việt Nam đang nâng cao công nghệ cốt lõi để cung cấp tốt hơn các dịch vụ liên quan đến đám mây. Họ sở hữu lực lượng lao động có khả năng thích ứng cao với công nghệ mới, và mức lương lập trình viên cạnh tranh.
Từ những yếu tố nêu trên, VDSC tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng ổn định, thay vì một sự sụt giảm nghiêm trọng, của các công ty CNTT hàng đầu Việt Nam trong năm tới./.