Chi phí lăn bánh các dòng ô tô điện được tính như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khác với các phương tiện sử dụng xăng, dầu truyền thống, khi đăng ký xe điện, chủ xe chỉ phải chịu chi phí biển số và đăng kiểm do các dòng xe năng lượng xanh được miễn lệ phí trước bạ.

Chi phí lăn bánh các dòng ô tô điện được tính như thế nào?

Theo quy định hiện hành, các khoản thuế phí liên quan để cấu thành một chiếc ô tô sẽ bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...Ngoài ra, chủ xe còn phải chịu các thuế phí lăn bánh sau khi mua xe từ hãng về như thuế trước bạ, phí cấp biển số xe, phí bảo hiểm và phí đăng kiểm.

Tuỳ địa phương sẽ có những mức thu khác nhau, cao nhất có thể chiếm từ 12-15% tổng giá trị của chiếc xe.

vf31.jpg
Chi phí để lăn bánh một chiếc xe có thể chiếm đến 15% giá trị của chiếc xe đó.

Quy định trên áp dụng cho các dòng xe sử dụng động cơ xăng/dầu truyền thống (ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống). Tuy nhiên, đối với các dòng ô tô điện, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn bởi các dòng xe "năng lượng xanh" sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ô tô điện được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu 0% trong 3 năm, tính từ ngày 1/3/2022. Từ 1/3/2025 - 28/2/2027, ô tô điện sẽ chịu lệ phí trước bạ lần đầu, bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Như vậy, chủ xe điện đi đăng ký thời điểm hiện tại sẽ không phải chịu chi phí liên quan thuế trước bạ. Mức thu trước bạ ở Hà Nội và một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng... cao nhất lên đến 12%. Các tỉnh thành khác, thuế trước bạ sẽ thấp hơn, ví dụ Hà Tĩnh 11 %, các khu vực còn lại sẽ áp dụng mức 10%.

Ví dụ cụ thể, chi phí lăn bánh đối với mẫu xe điện mini VinFast VF3 sẽ được áp dụng theo công thức: Giá bán + Lệ phí trước bạ (0%) + Phí đăng ký biển số (tối đa 20 triệu đồng) + Phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm (90.000 đồng) + Phí bảo trì đường bộ 1 năm (1.560.000 đồng) + Bảo hiểm TNDS bắt buộc với xe 5 chỗ (tối thiểu 480.700 đồng).

Đối với khách hàng tại Hà Nội mua VinFast VF3, số tiền cần chi để lăn bánh sẽ từ 262 triệu đồng khi mua xe thuê pin và 344 triệu đồng với xe đã bao gồm pin.

Một trường hợp khác, chi phí lăn bánh chiếc xe điện MG4 mới ra mắt của thương hiệu xe hơi Trung Quốc với phiên bản DEL có giá 828 triệu đồng, phiên bản LUX 948 triệu đồng sẽ được áp dụng công thức như trên.

so-sanh-mg4-ev-deluxe-va-vinfast-vf-6-plus-anh5-1717582563370-6514.jpg
Khách hàng mua xe điện tính đến trước ngày 1/3/2025 sẽ được hỗ trợ 100% trước bạ.

Như vậy, khách hàng khu vực Hà Nội chỉ phải bỏ ra 850 triệu đồng để lăn bánh xe điện MG4 với phiên bản DEL và 970 triệu đồng áp dụng phiên bản LUX.

Ngoài việc tiết kiệm đáng kể chi phí ban đầu khi sở hữu xe, những phương tiện năng lượng xanh còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường và người tiêu dùng như không phát thải gây ô nhiễm, không gây tiếng ồn trong quá trình sử dụng.

Các chi phí sử dụng, bảo trì bảo dưỡng cũng thấp, vận hành xe điện cũng được đánh giá là ổn định và mang lại khả năng an toàn hơn xe xăng/dầu (vì xe điện không đốt cháy nhiên liệu trong quá trình vận hành, do đó giảm thiểu nguy cơ cháy nổ đột ngột, đặc biệt trong các tình huống va chạm).

Chính vì vậy, xu thể chuyển đổi phương tiện từ các dòng xe sử dụng động cơ truyền thống sang sử dụng các dòng xe điện đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng đang dần thích nghi và ngày một yêu thích các dòng xe năng lượng xanh.