Sinh năm 1984 tại Phú Thọ, ông Phùng Anh Tuấn - nhà sáng lập F88 - là cựu 'hacker' có tiếng trong giới công nghệ Việt Nam, với biệt danh 'Tuấn Pat'. Ông Tuấn từng học tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương và cũng là sinh viên xuất sắc của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học, ông Tuấn từng đầu quân cho một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đến năm 2003, ông Phùng Anh Tuấn bắt đầu con đường khởi nghiệp với startup đầu tay: Công ty An Ninh Mạng VSEC (nay là CTCP An Ninh Mạng Việt Nam).
Sự trỗi dậy của F88
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Phùng Anh Tuấn hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Kinh doanh F88 (F88).
Ban đầu, công ty này có quy mô vốn điều lệ 54,5 tỉ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư F88 (F88 Invest) nắm chi phối, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,99% vốn điều lệ. Cập nhật đến tháng 10/2022, F88 đã tăng vốn điều lệ lên mức 566,9 tỉ đồng.
Chia sẻ về cơ duyên chuyển hướng sang lĩnh vực cầm đồ, vị doanh nhân 8x từng cho biết, ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, do không có đủ tiền trả lương nhân viên nên ông thường phải mang đồ đạc đi cầm cố. Từ đó, ông nhận ra tiềm năng rộng mở của lĩnh vực này và bắt tay vào làm.
"Thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, đôi lúc anh em đã phải đi cầm đồ để theo đuổi đam mê rồi nhận thấy thị trường cầm đồ vô cùng tiềm năng cũng như còn nhiều cơ hội để phát triển công ty một cách chuyên nghiệp và khác biệt nếu biết kết hợp lợi thế công nghệ của mình vào hoạt động kinh doanh. Nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để thực hiện", ông Tuấn kể.
Ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88 (Ảnh: F88) |
Theo ông Tuấn, đối tượng khách hàng F88 nhắm tới là nhân viên văn phòng, lao động tự do, tiểu thương, công nhân, chủ doanh nghiệp nhỏ, tài xế công nghệ làm việc thời vụ, thu nhập không ổn định, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng và tổ chức tài chính.
Tháng 2/2021, dẫn lời trên Trí Thức Trẻ, ông Tuấn cho hay, ngành cầm đồ trước đây đa số là hộ kinh doanh cá thể và cá nhân làm. Khi thị trường phân mảnh thì mỗi ông làm một kiểu, cho vay rất cao, lãi suất khoảng 200%.
"Việc này xảy ra trong một thời gian quá dài nên xã hội định kiến, nói đến cầm đồ là lãi cao rồi, đương nhiên. Để thay đổi nhận thức cần nhiều thời gian, sẽ có nhiều đơn vị như F88 ra đời, việc đầu tiên là cho vay phải đúng pháp luật đã, nằm trong khung pháp luật cho phép", ông Tuấn nói.
Tính đến tháng 1/2023, hệ thống cầm đồ này đã có hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc. Ngày 2/3, F88 đã huy động thành công 50 triệu USD (1.185 tỉ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ các nhà đầu tư như quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV.
G-Group
Ngoài chức danh Tổng Giám đốc của F88, ông Tuấn còn được biết đến là nhà sáng lập tập đoàn công nghệ G-Group. Tập đoàn này được thành lập năm 2016, sau 3 năm ra mắt chuỗi F88, với hệ sinh thái gồm nhiều thành viên, gồm: Ginnovations, BEATVN, G-Capital, Tima, G-Pay, VSEC, GameTV.
Như VietTimes từng đề cập, G-Group tiền thân là CTCP Tập đoàn Gplay, có cùng trụ sở chính với F88.
Khởi đầu với vốn điều lệ 30 tỉ đồng, G-Group có 4 cổ đông sáng lập là ông Tuấn (nắm giữ 87% VĐL), ông Bùi Tiến Thành (5%), ông Tô Đại Hoàng (5%) và ông Nguyễn Minh Đức (3%).
Tháng 8/2018, G-Group nâng vốn điều lệ lên 60 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn khi ông Phùng Anh Tuấn đã thoái hết vốn. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông cá nhân còn lại cùng tăng thêm 1%, lần lượt là 6%, 6% và 4% vốn điều lệ. Tính đến tháng 10/2021, vốn điều lệ của G-Group đã được nâng lên 700 tỉ đồng.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của G-Group là ông Phùng Anh Tú (SN 1988; cùng địa chỉ thường trú với ông Tuấn).
Sau khi thoái vốn, ông Tuấn cũng không còn là Chủ tịch HĐQT của G -Group. Đồng thời, F88 cũng tách khỏi hệ sinh thái của tập đoàn công nghệ này./.