Cáp Thunderbolt 4 trị giá 130 USD của Apple liệu có đáng giá?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Công ty Lumafield đã công bố các bản chụp cấu trúc bên trong của bốn mẫu cáp USB-C đại diện cho các phân khúc thị trường khác nhau để trả lời cho câu hỏi trên.

Ảnh: Arstechnica
Ảnh: Arstechnica

Sau khi ra mắt mẫu máy mới với cổng sạc USB-C, Apple đã bán kèm cáp sạc Thunderbolt 4 (USB-C) Pro trị giá 130 USD và một sợi cáp khác dài 3m với mức giá 160 USD. Liệu một sợi cáp chỉ có nhiệm vụ truyền tải điện và dữ liệu có đáng giá như vậy không?

Lumafield, nhà sản xuất máy quét CT công nghiệp đã phân tích sợi cáp này. Được biết, Lumafield đã công bố các bản chụp cấu trúc bên trong của bốn mẫu cáp USB-C đại diện cho các phân khúc thị trường, trong đó, Apple Thunderbolt 4 (USB-C) Pro được bán giá 129 USD (3 triệu đồng), Amazon Basics là 12,23 USD (300.000 đồng), NiceTQ 5,59 USD (140.000 đồng) và AtyFuer 3,89 USD (95.000 đồng).

Theo đó, công ty cho rằng nếu mục tiêu của người dùng là mua một sợi cáp có khả năng chống lạm dụng, hoạt động với nguồn điện và tốc độ dữ liệu cao, ổn định, đồng thời đảm bảo an toàn, thì nghiên cứu của Lumafield có thể cho thấy lý do tại sao cáp sạc của Apple có giá trị cao tới như vậy.

Máy quét CT tia X công nghiệp Neptune rộng 6 feet và có giá 75.000 USD cho mỗi năm sử dụng theo hợp đồng, bao gồm hỗ trợ và phần mềm chẩn đoán và hình ảnh tiên tiến. Bằng cách đặt cáp Thunderbolt 4 Pro USB-C của Apple vào bên trong, Neptune có thể nhìn thấy mọi thứ diễn ra trong đó theo đúng nghĩa đen.

Bằng công nghệ chụp cắt lớp vi tính, có thể thấy bên trong Thunderbolt 4 Pro trang bị một bo mạch phức tạp với 10 lớp mạch in, 24 chân, đều được nối dây điện, chia thành ba loại dây riêng biệt cho khả năng sạc và truyền dữ liệu. Tất cả được bảo vệ bởi vỏ nhựa cứng và tấm chắn kim loại bằng thép không gỉ. Lumafield đánh giá sợi cáp là "sản phẩm kỹ thuật cao cấp" nhất trên thị trường.

Theo đó, mẫu Thunderbolt 4 Pro hỗ trợ sạc và truyền dữ liệu đa dạng gồm Thunderbolt 3, Thunderbolt 4 và USB với tốc độ tới 40 Gb/giây, đầu ra video DisplayPort (HBR3) và công suất sạc tối đa 100 W.

Trong khi đó, với giá chưa bằng một phần mười, Amazon Basics cũng có vỏ nhựa và kim loại để che chắn bo mạch và các sợi dây bên trong. Cáp được quảng cáo cho tốc độ truyền dữ liệu 480 Mb/giây cùng tốc độ sạc lên tới 60W và thực tế đã được các chuyên gia Lumafield kiểm chứng.

Dẫu vậy, đầu cáp có 12 chân với bốn cặp trong số đó được nối chéo thay vì kết nối riêng lẻ với bo mạch. Theo Lumafield, cách này tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hai yếu tố là sạc và truyền dữ liệu. Cáp cũng có một dây nối đất được hàn vào chân cuối của đầu nối giúp an toàn.

NiceTQ được quảng cáo với tốc độ tới 10 Gb/giây tương đương USB 3.1 Gen 2, nhưng thực tế thấp hơn nhiều. Phân tích bên trong, các chuyên gia nhận thấy cáp thậm chí được nối bốn dây trực tiếp mà không có bo mạch. Với thiết kế này, cáp chỉ có thể hỗ trợ tối đa chuẩn USB 2.0. Ngoài ra, mỗi dây được nhúng riêng lẻ trong hai lớp cách điện và cũng không có dây nối đất. Vì không có dây dự phòng, nếu một trong bốn chân bị đứt, cáp sẽ bị hỏng.

Cuối cùng, sợi cáp rẻ nhất là AtyFuer lại có thiết kế tỉ mỉ hơn: có bo mạch, đủ 24 chân nhưng chỉ một nửa có dây kết nối. Theo nhóm kỹ thuật, các chân cắm chỉ đơn giản là giúp kết cấu bên trong chắc chắn hơn, song cũng không có nhiều tác dụng.

Nhìn chung, tùy vào nhu cầu từng người dùng, họ có thể đánh giá cáp sạc 130 USD của Apple là đắt hay rẻ, song mức giá cao hơn nhiều lần của nhà Táo so với thị trường là điều không thể phủ nhận.

Theo Arstechnica