Cao Nguyên Golan: Tuyên bố tai hại của ông Donald Trump

Điều gì sẽ ngăn cản ông Trump phê chuẩn và thực thi những tuyên bố về chủ quyền của Israel? Theo những người Do Thái giáo, lời hứa của chúa về Judea và Samaria có nghĩa là sẽ có một cuộc sáp nhập cuối cùng từ bờ Tây [sông Jorndan] với các vùng lãnh thổ khác để lập nên một nước “Israel vĩ đại” kéo dài từ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải. 
Quân đội Israel trên cao nguyên Golan.
Quân đội Israel trên cao nguyên Golan.

Đối với người dân bản địa vùng Cận Đông, ba “Tuyên bố” trọng đại đã mang đến cho họ những thiệt hại thảm khốc, mang tính lịch sử. “Tuyên bố đầu tiên” đó là việc Chúa trao vùng đất của những “người bản địa” cho những “người được chọn”. “Tuyên bố thứ hai”, được biết đến rộng rãi với cái tên “Tuyên bố Balfour”, là quyết định năm 1917 của chính phủ Anh về việc thành lập một “quốc gia cho người Do Thái” tại "vùng đất của người bản địa Palestine". “Tuyên bố thứ ba”, là tuyên bố của ông Trump trong tuần qua, một cách bất hợp pháp, trái đạo lý và gây tổn hại lớn cho “người bản địa”, trao vùng đất cao nguyên Golan của Syria hiện đang bị Israel chiếm đóng, cho những “người được chọn”, người Do Thái. 

Hai phần ba diện tích của Cao nguyên Golan đã bị Israel chiếm đóng kể từ Chiến tranh 1967. Sau cuộc chiến, Ngài Caradon, đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, đã bảo lãnh cho một nghị quyết được ủng hộ bởi đại sứ Mỹ ông Arthur Goldberg, được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua mang tên Nghị quyết 242. Trong phần mở đầu, Nghị quyết 242 khẳng định “không thừa nhận việc giành được những vùng lãnh thổ bằng chiến tranh”. Trong đó, có một đoạn văn bản có hiệu lực kêu gọi Israel “rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng” trong cuộc chiến. Bất kể những tranh cãi về việc "rút khỏi lãnh thổ chiếm đóng" có nghĩa là một phần hay toàn bộ lãnh thổ đó, Nghị quyết khẳng định nguyên tắc Israel cần rút khỏi vùng chiếm đóng trên Cao nguyên Golan của Syria. Theo sau nghị quyết này là Nghị quyết 338 của Hội đồng Bảo an, được thông qua sau chiến tranh Ả rập – Israel năm 1973, tái khẳng định nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết 242. Các nghị quyết khác được thông qua khẳng định nguyên tắc về việc Israel phải rút quân khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng.

Sau Hội nghị Madrid năm 1991, các đàm phán hòa bình đã được bắt đầu giữa Israel và Syria dựa trên thể thức “vùng đất vì hòa bình” [Hòa bình cần bao gồm 2 nguyên tắc cơ bản: Israel rút quân 'Giving Up Land - Từ bỏ vùng đất đã chiến đóng', và dừng tất cả các tuyên bố chủ quyền hay tình trạng giao tranh giữa các nước 'Making Peace - Thiết lập hòa bình']. Cơ sở cho các cuộc đàm phán này đã giả định việc Israel rút khỏi Cao nguyên Golan và hòa bình giữa hai quốc gia. Ngoài các cuộc đàm phán chính thức và công khai giữa các phái đoàn Syria và Israel, còn có nhiều cuộc đàm phán bí mật "Track II Diplomacy" [tiếp xúc không chính thức của các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động cá nhân giữa các công dân, các nhóm cá nhân hay những thực thể gọi là "phi nhà nước"] mà cá nhân tôi đã được tham gia. Một số người Israel mà tôi gặp có mối quan hệ gần gũi với cố Thủ tướng Yitzhak Rabin và Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu. Tất cả các cuộc đàm phán Syria-Israel đều dựa trên tiền đề là Israel rút khỏi Golan vì hòa bình; trong đó nhấn mạnh, một cách rõ ràng, sự thừa nhận của Israel rằng: Cao nguyên Golan là lãnh thổ đang bị chiếm đóng của Syria. Sự thừa nhận này bởi Israel đã kéo dài 52 năm. 

Bất chấp sự thật, đạo đức, tính hợp pháp, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, và việc vi phạm Luật pháp Quốc tế, sự đồng thuận quốc tế, và vô số nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Netanyahu gần đây, bất ngờ đưa ra quyết định Cao nguyên Golan thuộc về Israel. Điều này đã được chuẩn nhận bởi dòng tweet khôi hài của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chỉ có thể nói nội dung đầy bi kịch của tuyên bố này, đầy tính tranh cãi, rất phù hợp với phương tiện truyền tải nó: Twitter. Dòng tweet thiếu suy nghĩ của ông Trump tuyên bố: “Sau 52 năm, đã đến lúc Hoa Kỳ công nhận hoàn toàn chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, điều mang tầm quan trọng chiến lược và an ninh quan trọng đối với Nhà nước Israel và ổn định khu vực!” 

Thêm vào sự xúc phạm đó, một nghị quyết được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ nêu rõ: “đó là lợi ích an ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhằm đảm bảo rằng Israel giữ quyền kiểm soát với cao nguyên Golan […]”, tinh thần của nghị quyết này không có gì phải nghi ngờ, đặc biệt theo quan điểm của những người Do Thái kiểm soát Quốc hội. Đã có người nói rằng rằng Quốc hội là “lãnh thổ chiếm đóng của Israel”. 

Tuyên bố lố bịch của Netanyahu rằng Golan thuộc về Israel và sự chấp nhận, sự đồng lõa thiếu suy nghĩ của ông Trump làm nảy sinh hai mối quan ngại nguy hiểm. Thứ nhất, nếu Golan thuộc về Israel, và điều đó giải phóng hai phần ba cao nguyên này trong chiến tranh năm 1967, như Netanyahu tuyên bố, điều đó có nghĩa rằng một phần ba còn lại của cao nguyên Golan được “chiếm đóng” bởi Syria cũng thuộc về Israel và cũng nên được giải phóng. Thứ hai, vì không có biên giới quốc tế giữa Syria và Golan, một tỉnh của Syria, ông Netanyahu và ông Trump có thể - một lần nữa – đơn phương, một cách bất hợp pháp và vô đạo đức chỉ định bất kỳ lãnh thổ nào tiếp giáp Syria đều là một phần của Golan. Hai mối lo ngại này đã chính thức tạo ra một tiền lệ nguy hiểm mang tính toàn cầu, về thực tế tiền lệ này diễn giải bất kỳ trật tự thế giới nào, bao gồm Luật quốc tế và Liên hợp quốc một cách bất hợp lý. 

Kể từ khi Israel chiếm đóng Golan, không có chính phủ nào của Israel hay chính quyền Hoa Kỳ nào từng ám chỉ rằng Golan là một phần lãnh thổ Israel. Chính phủ Israel, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, luôn luôn thể hiện việc sẵn sàng rút quân khỏi Golan để đổi lấy hòa bình; điểm gây tranh cãi chỉ luôn là cách thức rút quân. Trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Syria và Israel, người Syria không có ý định chịu thua và cho đi dù chỉ một phần nhỏ của Golan. Việc ông Trump tuyên bố trao Golan cho Israel là chiếc đinh cuối cùng được đóng vào "chiếc quan tài của tiến trình hòa bình". 

Phản ánh diễn tiến gây bất ổn và nguy hiểm cho khu vực, tôi chỉ có thể tự hỏi liệu ông Netanyahu có tuyên bố chủ quyền đối với cao nguyên Golan hay không, điều gì sẽ ngăn ông ta tuyên bố khu vực Judea và Samaria có liên quan về mặt lịch sử và tôn giáo. Điều gì sẽ ngăn ông Trump phê chuẩn và thực thi những tuyên bố về chủ quyền này? Bởi theo những người Do Thái giáo, lời hứa của chúa về Judea và Samaria có nghĩa là sẽ có một cuộc sáp nhập cuối cùng từ bờ Tây [sông Jordan] với các vùng lãnh thổ khác để thành lập nên một nước “Israel vĩ đại” từ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải. 

Điều mà những kẻ giả dối “đang bị điều tra”, ông Netanyahu và ông Trump, đã làm, và Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ sớm làm theo, không phải là liều thuốc cho sự ổn định khu vực; đó là một lộ trình cho sự biến động vĩnh viễn: Nghịch lý của một lực không thể cản được va chạm vào một vật thể bất động. 

Huyền Ngân (chuyển ngữ)