Ông Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Á ở Học viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho biết việc thiếu bộ qui tắc ứng xử đang gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển.
“Có nhiều phiền toái khi xung đột giữa tàu cảnh sát biển và ngư dân đánh bắt cá gia tăng ở Biển Đông và tiềm năng trở thành vấn đề nóng của khu vực”, ông Tang được báo South China Morning Post dẫn phát biểu hôm 8.5.
Hồi năm 2014, tư lệnh hải quân các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đồng ý một bộ qui tắc ứng xử nhằm tránh đối đầu trên biển và trên không (CUES). Tham gia ký kết bộ qui tắc này có các nước tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo ông Tang, bộ qui tắc này không áp dụng cho Cảnh sát biển vì nó chỉ chi phối lực lượng hải quân.
Theo báo cáo của Văn phòng tình báo Hải quân của Mỹ hồi năm 2015, Trung Quốc phát triển lực lượng chấp pháp trên biển được cho là hùng hậu nhất trong khu vực. Bắc Kinh sở hữu 205 tàu hải cảnh ở cả khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, trong số này có 96 chiếc là loại có lượng choán nước trên 1.000 tấn và một số được cải tạo từ tàu quân sự.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy cắt ngang mũi tàu cứu hộ SAR 412 của Việt Nam, ngăn cản việc cứu hộ tàu cá Việt Nam bị nạn ở khu vực gần trung tâm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN, ngày 22.10.2015Xuân Sơn |
Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Mỹ, Nhật có 78 chiếc tàu cảnh sát biển, Việt Nam 55 chiếc, Indonesia 8, Philippines 4 và Malaysia 2 chiếc. Số lượng tàu tuần tra dày đặc này khó tránh khỏi những vụ xung đột giữa cảnh sát biển của các nước, South China Morning Post nhận định.
Hồi tháng 3.2016, tàu cảnh sát biển Indonesia đụng độ với tàu hải cảnh Trung Quốc khi tàu này cố giải cứu tàu cá Trung Quốc khỏi lực lượng tuần tra biển Indonesia vì đánh bắt trong vùng biển do Jakarta kiểm soát.
Tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ từng đối đầu với tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2013Reuters |
"Một việc làm hữu ích cho khu vực khi chưa có bộ qui tắc ứng xử để tránh những vụ đụng độ ngoài ý muốn là thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa các chỉ huy Cảnh sát biển của các nước để xử lý kịp thời và tránh những hiểu nhầm", ông Tang nói.
Trung Quốc và ASEAN đang trong tiến trình soạn thảo bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó có những qui định liên quan đến cảnh sát biển.
Ông Ashley Townshend, nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ tại đại học Sydney, Úc, nói rằng Trung Quốc ít quan tâm đến vụ đối đầu giữa lực lượng hải cảnh nước này với các nước ASEAN vì đa số lực lượng chấp pháp biển của ASEAN quá yếu so với Trung Quốc. Những vụ đối đầu chưa đủ để trở thành những vụ đụng độ lớn trên biển khiến Bắc Kinh phải lo ngại như với Mỹ hoặc Nhật.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Mỹ), một trong những vụ đối đầu đáng chú ý là giữa tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ và tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 12.2013 khi tàu Trung Quốc chạy cắt ngang mũi tàu Mỹ, tưởng chừng xảy ra chiến tranh giữa 2 cường quốc quân sự này.
Theo ông Townshend, đưa ra bộ qui tắc ứng xử mới khó hơn nhiều so với việc điều chỉnh bộ qui tắc đang sử dụng cho hải quân các nước châu Á để áp dụng cho cảnh sát biển ở Biển Đông. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn chính là vì lực lượng cảnh sát biển lại do nhiều cơ quan chính phủ quản lý, đặc biệt là ở Trung Quốc, nên việc phối hợp vô cùng phức tạp.
Một vấn đề phức tạp khác là lực lượng tuần tra biển áp dụng luật pháp nội địa trong khi các nguyên tắc quốc tế hình thành nên những qui tắc ứng xử không phải lúc nào cũng tương thích với luật trong nước, nếu không muốn nói là mâu thuẫn vì xung đột lợi ích quốc gia và chủ quyền, theo tờ báo Hồng Kông.
Theo Thanh Niên