Cảnh báo: Gia tăng nạn nhân mắc chứng rối loạn tâm thần do bị bắt nạt học đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bị một nhóm bạn bè cùng lớp bắt nạt suốt thời gian dài, nữ sinh 14 tuổi đã bị rối loạn tâm thần đến mức bỏ học, tự rạch tay cho chảy máu, muốn tự tử và phải nhập viện điều trị.

TS. Tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia - tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân
TS. Tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia - tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân

Vụ việc nữ sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) quyên sinh tại nhà riêng mới đây do ức chế vì bị bạo lực học đường vẫn đang gây xôn xao dư luận. Nhưng đó không phải là nạn nhân duy nhất của vấn nạn này.

Nhập viện sau khi bị bạn cùng lớp bắt nạt kéo dài

Theo BS. Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia - thời gian gần đây, số trẻ bị rối loạn tâm thần do bị bắt nạt học đường có xu hướng tăng lên. Tất nhiên, khi các em phải đến Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia để khám và điều trị đều đã ở mức nặng nề.

Trường hợp điển hình đang điều trị tại Viện là nữ sinh TTD. 14 tuổi, học lớp 8, ở Bắc Ninh, được bác sĩ Đỗ Thuỳ Dung - Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - chia sẻ tại cuộc hội thảo diễn ra chiều nay, 22/5.

VT_ Dung.jpg
Bác sĩ Đỗ Thuỳ Dung - Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - thông tin về ca bệnh điển hình là nạn nhân của bắt nạt học đường bị rối loạn tâm thần

D. bị một nhóm bạn cùng lớp xúc phạm nhiều lần, chê bai ngoại hình của cô, thậm chí, có lần còn lấy vở đánh vào mặt cô trong giờ ra chơi. Nhiều lần, khi tan học, nhóm bạn chặn cô ở cổng trường để gây chuyện, hoặc đánh cô với lời đe dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ, sẽ bị đánh nhiều hơn.

Có lần, cô bé nói với mẹ là có vấn đề với bạn, nhưng mẹ D. cho đó là việc trẻ con và bảo D tự giải quyết.

Không được ai can thiệp, D. bị bắt nạt kéo dài suốt gần một năm, khiến D. luôn căng thẳng và sợ hãi, cáu gắt với người thân, sức học giảm sút. D. sợ đến lớp nên nghỉ học thường xuyên, trở nên lầm lì, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn. Cô bé thường ở lì trong nhà, mỗi khi phải ra ngoài đều đeo khẩu trang kín, mặc áo dài màu đen, đội mũ sùm sụp.

Hai tuần trước khi vào viện, D. bỏ học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, rồi tự rạch tay, thậm chí, muốn tự sát để giải thoát khỏi sự bi quan, căng thẳng. Mẹ D. thấy vậy gặng hỏi nhưng cô bé chỉ trả lời gắt gỏng, nhát gừng, hoặc không nói gì. Gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và bác sĩ chỉ định cháu phải nhập viện.

VT_ Hương.jpg
TS. Tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia

TS. Tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia - cho biết hiện chưa có nghiên cứu nên chưa có con số chính xác về tỉ lệ bị bắt nạt học đường bị rối loạn tâm thần. Nhưng các ca bệnh này thường chỉ đến khám vào mùa hè, là khi đã có những hậu quả của việc bắt nạt học đường thời gian đi học khá trầm trọng. Có thể trước đó, các em ở ngoại trú hoặc đã được gia đình đưa đến khám ở các đơn vị tâm lý khác.

Cần có niềm tin vào trẻ

Câu chuyện của nữ sinh ở Nghệ An làm đau lòng hơn khi mẹ của nữ sinh cho biết đã đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Nhà trường không cho nữ sinh chuyển lớp và hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm, nhưng vụ việc đau lòng vẫn xảy ra. Rõ ràng là thầy cô dường như ít chú ý đến chia sẻ của các em.

Điều ngạc nhiên là trong số các em bị bắt nạt học đường có cả học sinh trường chuyên, tức là rất thông minh, nhưng vẫn sợ hãi trước những lời đe dọa của kẻ bắt nạt nên không dám mách người lớn.

Giải thích điều này, BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên - cho rằng dù học trường chuyên nhưng các em vẫn có tâm lý của tuổi mới lớn là muốn chứng tỏ khả năng giải quyết vấn đề của bản thân. Sợ người khác xem là yếu đuối nếu không tự giải quyết được. Do đó, bố mẹ cần phải lắng nghe để xác định con đang trong tình trạng nào.

VT_Yến.jpg
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thiếu niên trong độ tuổi đi học

TS. Tâm lý Trịnh Thanh Hương nêu quan điểm: Vấn đề này có trách nhiệm của bố mẹ và thầy cô trong việc tiếp nhận thông tin. Khi trẻ cầu cứu sự trợ giúp thì bị bỏ qua. Giữa trẻ và gia đình không có thói quen chia sẻ nên khi trẻ mách, thường không được quan tâm. Ở nhà trường, khi đi học, các em không chia sẻ với giáo viên, còn giáo viên chỉ chú ý đến dạy, ít chú ý đến các quan hệ của học sinh. Trẻ bị đơn độc, không có kỹ năng kết nối bạn bè, nên bị bắt nạt. Trong khi kẻ bắt nạt thường là người hiếu thắng, cái “tôi” lớn, nên khi bị chạm đến là gây chuyện; bắt chước phim ảnh, mạng xã hội, không nghĩ được hậu quả vì thế, nhiều em mới tung lên mạng.

Bác sĩ Đỗ Thuỳ Dung đưa thêm thông tin: Có 4 yếu tố liên quan khiến việc bắt nạt học đường gia tăng:

Về phía nạn nhân, đó thường là các em có lòng tự trọng thấp, hoặc sức khỏe yếu, không kiểm soát được cảm xúc, không có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Còn kẻ bắt nạt thường từng bị bắt nạt, nên muốn thể hiện sức mạnh và bị rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách.

Gia đình: Những gia đình có sự tham gia nuôi dạy, hỗ trợ sẽ làm giảm được việc nạn nhân hóa của bắt nạt học đường. Vì những gia đình mất đoàn kết, có hoàn cảnh không mấy thuận lợi, thường hình thành tính cách, nhân cách người bắt nạt.

Cộng đồng: Khi có vụ bắt nạt học đường, thường có nhiều người xung quanh, nhưng có người tham gia ngăn chặn, có người không. Khi thấy có người đứng xem, người bị bắt nạt (thường đơn độc) và lầm tưởng đó là phe bắt nạt nên càng sợ hãi, không dám phản kháng. Còn kẻ bắt nạt thấy có đông người không phản đối, càng ảo tưởng về sức mạnh và tưởng được ủng hộ.

VT_ Lê Công Thiện.jpg
BS. Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia

Theo BS. Lê Công Thiện, học sinh đã phản ánh nhưng không được hỗ trợ, vẫn bị bắt nạt, có nhiều nguyên nhân: Đôi khi bố mẹ và thầy cô coi việc trẻ con đánh nhau là bình thường. Do đó, cần có niềm tin vào trẻ em, để cùng với dấu hiệu đi kèm có thể hiểu và đánh giá đúng vấn đề. Việc đánh bạn dễ nhìn thấy, nhưng việc bắt nạt qua mạng càng cần kỹ năng để lấy thông tin như sử dụng người gần gũi các bạn để hỏi han, nắm bắt.

“Hãy tiếp cận thông tin và tin các cháu không nói dối để xử lý vụ việc sớm. Không thờ ơ trước những thông tin của giới trẻ” - TS. Lê Công Thiện khuyến cáo.

Làm gì để phòng ngừa trẻ bị bắt nạt học đường?

BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến cho biết hành vi bắt nạt có thể về thể chất, hoặc lời nói; bắt nạt bằng quan hệ xã hội; bắt nạt qua mạng; bắt nạt tình dục vv… Hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học; nó có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với cá nhân bị bắt nạt, cá nhân bắt nạt, cũng như người ngoài cuộc có mặt trong sự kiện bắt nạt.

Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe kém so với những đứa trẻ không bị bắt nạt. Trong đó, 6,4% không bị bắt nạt, 14,8% chỉ bị bắt nạt trong quá khứ, 23,9% chỉ bị bắt nạt trong hiện tại và gần một phần ba (30,2%) đã bị bắt nạt trong cả quá khứ và hiện tại.

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng các vấn đề ở thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Một số phân tích tổng hợp cho thấy cụ thể mối quan hệ giữa trầm cảm và bị bắt nạt ở trường. Những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho biết mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp, so với những người không bị bắt nạt. Hơn nữa, mức độ trầm cảm ở thanh thiếu niên từng bị bắt nạt trên mạng đã được chứng minh là có tương quan với mức độ và mức độ nghiêm trọng của bắt nạt trên mạng.

Ngoài ra, việc bị bắt nạt học đường còn làm gia tăng nguy cơ tự tử, lạm dụng chất kích thích và giảm thành tích học tập

Để phòng ngừa nạn bắt nạt học đường, BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến cho rằng cần xây dựng môi trường nhà trường nói không với bắt nạt học đường; giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác; tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bắt nạt học đường. Bên cạnh đó, cần khuyến khích những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ. Cùng với chương trình truyền thông, cần sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường; chương trình bao gồm các đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng…