Phát biểu trước Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ viện hôm 25/2, Bộ trưởng Ash Carter nhấn mạnh việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông khiến các đồng minh cũ của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, cùng các đồng minh và đối tác mới như Việt Nam và Ấn Độ, gia tăng hợp tác với Mỹ.
Ông Carter nói sự việc này gây chú ý công luận không phải vì Mỹ có động thái gì mới mẻ vì Mỹ lâu nay vẫn cho tàu qua lại trong vùng Biển Đông và sẽ tiếp tục như thế ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông và các tuyên bố lãnh thổ đó chồng lấn với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong những năm gần đây, Trung Quốc bắt tay vào một dự án đầy tham vọng, xây các hòn đảo nhân tạo trái phép có đường băng và chứa các thiết bị quân sự.
Hôm 25/2 tại Lầu Năm Góc, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cho báo giới biết Trung Quốc đã bồi đắp gần 3.000 mẫu Anh các căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Tuần trước, công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) công bố hình ảnh cho thấy các tên lửa đất đối không của Trung Quốc được triển khai trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Đô đốc Harris cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và đang thay đổi cân bằng lực lượng quân sự.
Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, bay qua hoặc tuần tra qua các khu vực mà Trung Quốc nhận chủ quyền nhưng luật quốc tế cho phép các nước được tự do qua lại. Đô đốc Harris nói Mỹ cần thực hiện các hoạt động này một cách thường xuyên.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ mới đây đã 2 lần cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.