Cần có “đầu kéo” kinh tế tư nhân

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp khoảng 30% ngân sách vào năm 2015 và khoảng 40% GDP của cả nước. Mặc dù đã có những bước phát triển quan trọng, song, khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung vẫn còn hạn chế.
Sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư nhân đã mang lại sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt kinh tế của đất nước. Ảnh: Trường Hải – một DN tư nhân – hiện đang đứng vị trí số 1 trong lĩnh vực ô tô tại VN.
Sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư nhân đã mang lại sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt kinh tế của đất nước. Ảnh: Trường Hải – một DN tư nhân – hiện đang đứng vị trí số 1 trong lĩnh vực ô tô tại VN.

Hiện tại, trong số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và tương ứng là các doanh nghiệp vừa. Còn lại 95 – 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (theo tiêu chí là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66 – 67%.

Trước thực trạng này, theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: cần xác định rõ năm 2015 là năm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân – năm tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân. Để tạo hành lang pháp lý, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ để tập trung hơn về năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chính phủ cần tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, tạo nguồn vốn dài hạn, có lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp; khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn.

Tuy nhiên, để tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng: Việt Nam phải có những DN có quy mô có thể so sánh được với thương hiệu lớn như Sony, Samsung, Hyundai… Nếu không, Việt Nam không thể có vị trí cao trên thị trường thế giới.

Còn nhớ cách đây 5 năm, sau khi có cuộc gặp với Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả các hình thức hỗ trợ của Chính phủ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, pháp luật, và thủ tục hành chính để ngày càng có nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững, xây dựng được thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhưng đến thời điểm hiện tại đề xuất về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn chưa thành hiện thực.

Mong chờ cam kết

DN cần cam kết của Chính phủ về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng mừng là các tập đoàn kinh tế tư nhân ở VN vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Chưa có những khảo sát cụ thể về số lượng cũng như quy mô của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam trên quy mô rộng nhưng theo thống kê của Ban tổ chức giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2015, tổng doanh thu của 200 DN có thương hiệu đạt giải Sao Vàng đất Việt là 893.051 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 91.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho 252.089 lao động. Trong đó riêng TOP 10 (phần lớn là các tập đoàn kinh tế tư nhân) đạt doanh thu hơn 231.745 tỷ đồng, nộp ngân sách 26.561 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 65.000 lao động.

Chỉ một lát cắt nhỏ như vậy cũng thấy rằng, cần một cơ chế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong đó các đoàn kinh tế tư nhân là những đầu tầu. Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam cho rằng: Sự phát triển của tập đoàn kinh tế tư nhân không phải nhờ vào một văn bản, một nghị định mà là sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách đối với hoạt động đầu tư – kinh doanh. DN cần cam kết của Chính phủ về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. DN có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt.

Hai bộ luật quan trong là luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015 là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình tạo động lực và cơ chế cho Doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nhưng nếu không có những cơ chế cụ thể hơn cũng như cam kết hành động của Chính phủ, đồng hành của các Bộ, Ban, Ngành và địa phương trong việc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, trong đó có việc tạo ra các “đầu tầu” kinh tế tư nhân thì mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2020 sẽ là xa vời khi mà đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có trên 500.000 doanh nghiệp.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp