Các trường Đại học chính là thị trường tiềm năng để phát triển công nghệ viễn thông 5G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hiện nay, công nghệ viễn thông 5G đã và đang được các nhà mạng tích cực đầu tư. Tuy nhiên, 5G là một phân khúc thị trường có những đặc thù riêng và chính các trường Đại học sẽ là thị trường tiềm năng.

Một trường hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ như Đại học Bách khoa Hà Nội chắc chắn phải là khách hàng lớn cho công nghệ viễn thông 5G
Một trường hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ như Đại học Bách khoa Hà Nội chắc chắn phải là khách hàng lớn cho công nghệ viễn thông 5G

Theo ông Trần Tuấn Anh – Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông), về bản chất thì hạ tầng viễn thông là tổ chức kết nối. Còn đối tượng kết nối thì ở 3G, 4G chủ yếu là kết nối người sử dụng. Riêng với 4G có thêm kết nối với máy móc thiết bị. Nhưng 5G thì phục vụ những kết nối cao cấp hơn như trong đô thị thông minh, phục vụ sản xuất công nghiệp, phục vụ nông nghiệp thông minh… Ứng dụng 5G là để phục vụ cho các quy trình sản xuất chứ không chỉ để phục vụ con người với nhau. Tuy nhiên, vấn đề có ứng dụng 5G được hay không còn phụ thuộc vào chính các chủ thể của quá trình này.

Như vậy, chính các ngành có nhu cầu đương nhiên phải chủ động với 5G và cái quan trọng nhất với họ là phải thực hiện chuyển đổi, số hóa các cơ sở dữ liệu của họ. Trên cơ sở đó, họ mới thực hiện phân tích dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất. Chính sự chủ động này sẽ quyết định sự thành công của 5G nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung. Khi đó, sẽ có những bài toán về dữ liệu lớn (Big Data) cần phải khai thác để biến chúng thành các sản phẩm ứng dụng.

Tuy nhiên, một khi mọi thiết bị sản sản xuất, giám sát được kết nối như vậy thì vấn đề an ninh, an toàn thông tin sẽ phải đặt ra. Chính các chủ thể ứng dụng 5G phải ý thức được điều đó và họ phải đầu tư cho vấn đề này.

Qua đó, có thể nói là khác với nhu cầu để phục vụ con người với nhau, ứng dụng 5G còn phục vụ thêm các quá trình sản xuất, thí nghiệm… và có lẽ chính các trường Đại học là thị trường tiềm năng để ứng dụng công nghệ 5G. Đó cũng là thực tế có phần dễ hiểu vì chính các trường Đại học chuyên đào tạo về kỹ thuật và công nghệ luôn có nhu cầu kết nối viễn thông theo công nghệ 5G cho những ứng dụng thử nghiệm với các nghiên cứu của họ trong các quá trình tự động hoá với rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chẳng hạn như Đại học Nam Cần Thơ mới đây đã ký kết hợp tác với một nhà mạng để phủ sóng 5G trong khuôn viên của mình vào ngày 7/6/2023.

Không biết, Đại học Nam Cần Thơ có phải là khách hàng đầu tiên với công nghệ 5G hay không nhưng có thể khẳng định chắc chắn là trong một tương lai gần sẽ có rất nhiều trường Đại học ở Việt Nam đua nhau triển khai phủ sóng 5G trong khuôn viên của họ. Nếu làm được việc này, các nghiên cứu ứng dụng cho quá trình phát triển về công nghệ điều khiển tự động với rất nhiều lĩnh vực mới trở thành hiện thực sống động và thực sự có ý nghĩa với cả thầy và trò cùng các đối tác là doanh nghiệp về khoa học công nghệ.

Cả Việt Nam hiện có trên 400 trường Đại học và Cao đẳng, trong số này thì chí ít cũng có đến phân nửa là các trường đào tạo về kỹ thuật và công nghệ. Đây chính là thị trường hết sức tiềm năng cho các nhà mạng để phủ sóng cho công nghệ 5G. Chắc chắn, việc phủ sóng 5G cho hệ thống các Đại học và Cao đẳng trong thời gian tới sẽ là một cuộc cạnh tranh đầy thú vị giữa các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam.