Các nhà băng lớn nhất nước Mỹ đang vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế khoẻ mạnh, với người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu và vay mượn ngay cả sau khi lãi suất tăng chóng mặt, theo The Wall Street Journal.
Theo đó, lợi nhuận của JPMorgan Chase và Wells Fargo trong quý 2/2023 đã tăng trưởng lần lượt 67% và 57% so với cùng kỳ năm trước. Citigroup cũng ghi nhận chuyển biến tích cực trong thu nhập lãi ròng, dù lợi nhuận sau thuế suy giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng vừa nêu đều vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Các nhà băng này đều đẩy mạnh cho vay, gia tăng số dư thẻ tín dụng, từ đó tăng doanh thu. Họ cũng lạc quan về lợi nhuận thu về từ hoạt động cho vay trong năm 2023.
Đa số các nhà phân tích và đầu tư danh tiếng đều chung quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ đã chậm lại khi Fed nâng lãi suất. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mới được các nhà băng kể trên công bố đã khiến nhiều người quên đi cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ diễn ra vào đầu năm nay.
Lãi suất cao đã 'hạ gục' Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Signature Bank và First Republic nhưng lại mang đến cho những 'megabanks' khi dòng vốn hoảng loạn tìm đến những kênh trú ẩn an toàn.
JPMorgan là một trường hợp như vậy. Họ đã mua lại First Republic, với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, nhờ vậy mà tăng cường mảng kinh doanh thương mại và tiêu dùng, lập tức mang lại cho ngân hàng này khoản lãi 2,7 tỉ USD.
Ngân hàng nhỏ chìm trong khó khăn
Cuộc khủng hoảng khiến các ngân hàng vừa và nhỏ phải nâng lãi suất tiền gửi để giữ chân khách hàng, từ đó gia tăng thêm chi phí và cũng là gánh nặng cho các nhà băng này.
Cổ phiếu ngân hàng cũng phân hoá rõ rệt trong năm nay. JPMorgan, Wells Fargo và Citi đồng loạt tăng trong năm 2023. Trong khi đó, chỉ số KBW Nasdaq Bank đã giảm 18% từ đầu năm và giảm trong hôm thứ Sáu vừa qua, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo ngại về chi phí tiền gửi của các ngân hàng nhỏ.
Vài tuần trở lại đây, một số ngân hàng địa phương đã phải hạ thấp dự báo doanh thu trong quý thứ hai, nói rằng họ đã đánh giá thấp số tiền phải chi để trả lãi cho lượng tiền gửi của khách hàng.
Mặc dù lãnh đạo của cả 3 ngân hàng lớn cho thấy niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ đang khoẻ mạnh ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là khi nhìn vào người tiêu dùng Mỹ, nhưng họ đều cảnh báo rằng còn nhiều điều bất trắc về tương lai.
“Tôi không biết liệu có một cú “hạ cánh mềm”, một cuộc suy thoái từ từ hay suy thoái sâu rộng hay không”, CEO JPMorgan Jamie Dimon, nói với các phóng viên.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng và các cơ quan quản lý nói rằng cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra trong tháng 3 năm nay đã qua đi, và dữ liệu kinh tế gần đây giúp họ có hy vọng rằng viễn cảnh kinh tế tồi tệ nhất mà họ lo sợ sẽ không xảy ra.
Sự lạc quan này cũng được thể hiện trên các thị trường, khi các nhà đầu tư chấp nhận các giao dịch rủi ro mà họ từng tránh trong phần lớn của năm 2022. Cổ phiếu của các công ty công nghệ có vốn hoá thị trường lớn đã tăng, trong khi chỉ số Nasdaq Composite đã có một nửa đầu năm tốt nhất kể từ những năm 1980. Giá bitcoin tăng hơn 80% trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi các cơ quan quản lý kiện các sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất.
“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục vận hành tốt hơn so với nhiều người kỳ vọng. Mặc dù nền kinh tế có thể tiếp tục chậm lại và có nhiều điều bất trắc, vẫn có khả năng phạm vi các viễn cảnh sẽ thu hẹp lại trong vài quý tới”, CEO Wells Fargo Charlie Scharf nhận định.
Viễn cảnh khó đoán
Trong quý trước, tổng thu nhập từ lãi ròng của JPMorgan, Wells Fargo và Citi là 49 tỉ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các khoản vay tăng lên và lãi suất với các khoản vay này cũng tăng.
Khách hàng của 3 ngân hàng lớn này chi tiêu bằng thẻ tín dụng nhiều hơn, và có nhiều người vay chuyển số dư hơn mỗi tháng. Các khoản vay dành cho doanh nghiệp cũng tăng tại JPMorgan và Wells Fargo.
“Nhìn chung, tôi muốn nói rằng chúng ta đang chứng kiến một cộng đồng tiêu dùng thận trọng hơn, chứ không nhất thiết là suy thoái”, CEO Citi Jane Fraser nói.
Nhưng tình hình cũng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các ngân hàng lớn.
Cả 3 ngân hàng lớn đều phải chi nhiều tiền hơn cho khách hàng gửi tiền để ngăn họ không chuyển tiền sang các quỹ thị trường tiền có lãi suất cao hơn, sau nhiều năm gần như không phải chi đồng nào cho các tài khoản vãng lai.
Thế nhưng nhiều khách hàng vẫn rút tiền. Lượng tiền gửi tại JPMorgan đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Wells Fargo báo cáo con số 6%. Dữ liệu không thay đổi đối với Citi.
Những kết quả này khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng sợ hãi, bởi các ngân hàng nhỏ và kém đa dạng hoá hơn gặp khó khăn trong việc bù đắp các khoản chi phí đó. Kết quả kinh doanh được công bố trong hôm 14/7 của các ngân hàng khu vực giảm, trong khi các ngân hàng lưu ký State Street và Bank of New York Mellon giảm mạnh.
Trong khi đó, hoạt động cho vay của các ngân hàng có thể sẽ suy giảm nếu như lãi suất cao bắt đầu gây tác động lớn hơn tới người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ (thắt chặt). Nó sẽ còn kéo dài trong một khoảng thời gian,” Mike Santomassimo, giám đốc tài chính của Wells Fargo, nói. Ngân hàng này đã dành ra 1 tỉ USD để trang trải các khoản nợ xấu, chủ yếu là trong bất động sản thương mại.
Nhiều ngân hàng cũng thận trọng hơn khi đưa ra các khoản vay mới. “Nền kinh tế đã chậm lại, và chúng tôi cũng phải siết chặt hoạt động cấp tín dụng”, Scharf nói./.
The Economist: hệ thống tài chính của Mỹ sớm hay muộn cũng sẽ bị đình trệ
[ĐỌC CHẬM] Bao giờ nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ?
Tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu suy thoái?
Theo Wall Street Journal