Các hãng dầu của Nga "đi trước một bước" lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các hãng vận tải và nhà máy lọc thường che giấu nguồn gốc dầu từ Nga, và một số lượng không vẫn tuồn vào nước Mỹ.
Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Shutterstock)
Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Shutterstock)

Châu Âu vừa đưa ra gói lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có nhằm vào dầu thô của Nga, nhưng nhiều hãng vận tải và nhà máy lọc vẫn đang đưa dầu của Nga vào thị trường bằng cách che giấu nguồn gốc của nó. Một số loại nhiên liệu được tin là tinh chế từ dầu thô của Nga đã xuất hiện ở New York và New Jersey trong tháng trước, theo Wall Street Journal (WSJ).

Lượng nhiên liệu này được mua thông qua Kênh Suez và khắp khu vực Đại Tây Dương, và bắt nguồn từ các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ - vốn là một khách hàng lớn của dầu thô Nga – theo dữ liệu của Refinitiv và phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch trụ sở tại Helsinki.

Đối diện với cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga mà Mỹ và EU áp đặt, các nhà buôn đang cố gắng che giấu nguồn gốc của dầu nhập từ Nga để giữ cho dòng chảy được duy trì. Lượng dầu này hiện đang được che giấu dưới các sản phẩm đã tinh chế như xăng, dầu diesel và các loại hóa chất khác.

Dầu của Nga cũng được chuyển giao giữa các con tàu với nhau ở trên biển, đây là chiến thuật che mắt thường thấy để mua và bán dầu của Iran và Venezuela – hai nước cũng chịu cấm vận. Các thương vụ chuyển giao đang diễn ra trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi của Tây Phi và trên Biển Đen, dầu của Nga sau đó được chuyển tới Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Âu, theo các công ty vận tải biển.

Giới lãnh đạo EU trong hôm thứ Ba tuần này đã nhất trí sẽ áp đặt lệnh cấm phần lớn dầu của Nga, và hướng đến cắt hoàn toàn Điện Kremlin khỏi khách hàng năng lượng lớn nhất của họ. Họ cũng dự kiến sẽ cấm các hãng bảo hiểm của châu Âu phục vụ các tàu chở dầu của Nga. Tuy nhiên, những hoạt động lách lệnh trừng phạt đã và đang diễn ra, đe dọa sẽ làm giảm tính hiệu quả của lệnh trừng phạt.

Lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt từ tháng 3 nghiêm cấm nhập dầu thô, các sản phẩm xăng, khí hóa lỏng và than từ Nga, nhưng các loại nhiên liệu luôn được chế từ nhiều loại sản phẩm khác nhau, ví dụ như dầu diesel.

Nhìn chung, lượng dầu xuất khẩu của Nga đã tăng trở lại trong tháng 4, sau khi giảm trong tháng 3, thời điểm mà gói lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây có hiệu lực, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Xuất khẩu dầu của Nga đã tăng thêm 620.000 thùng, lên 8,1 triệu thùng/ngày, gần với mức trước chiến tranh Ukraine, và nước tăng lượng nhập cao nhất chính là Ấn Độ.

Ấn Độ hiện đã trở thành trung tâm quan trọng đối với dòng chảy dầu của Nga. Lượng nhập khẩu của nước này đã tăng vọt lên 800.000 thùng/ngày kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu, so với 30.000 thùng/ngày chỉ trước đó một ngày, theo hãng phân tích thị trường Kpler.

Điều này chủ yếu là do Ấn Độ được khuyến mãi sâu – trong đó dầu thô Urals của Nga bán cho Ấn Độ thấp hơn 35 USD so với dầu Brent.

Reliance nhập lượng dầu thô của Nga cao gấp 7 lần trong tháng 5/2022 (Ảnh: Bloomberg)

Reliance nhập lượng dầu thô của Nga cao gấp 7 lần trong tháng 5/2022 (Ảnh: Bloomberg)

Một nhà máy lọc sở hữu bởi tập đoàn năng lượng Reliance Industries Ltd của Ấn Độ đã mua lượng dầu thô của Nga cao hơn gấp 7 lần trong tháng 5 vừa qua, so với lượng mua trước cuộc chiến ở Ukraine.

Reliance đã thuê một tàu chở dầu để chở alkyl hóa, một thành phần của xăng, rời khỏi cảng Sikka vào ngày 21/4 mà không có điểm đến được lên kế hoạch trước. 3 ngày sau, con tàu này cập nhật hành trình tới một cảng của Mỹ và di chuyển, thả hàng ở New York vào ngày 22/5.

“Điều có khả năng đã xảy ra là, Reliance lấy dầu thô giảm giá của Nga, tinh chế chúng và sau đó bán sản phẩm trên thị trường ngắn hạn, nơi mà họ tìm thấy một khách hàng Mỹ”, Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, nói. Tổ chức này hiện đang theo dõi hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga và vai trò của chúng trong việc rót vốn cho cuộc chiến ở Ukraine.

Các mặt hàng dầu tinh chế của Ấn Độ, được tăng về lượng nhờ nguồn cung giá rẻ từ Nga, đã tăng trưởng đáng kể kể từ khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu. Lượng xuất khẩu hàng ngày mà họ chuyển tới châu Âu đã tăng 1/3 và tới Mỹ là 43%.

“Nếu các nhà máy lọc Ấn Độ ở bờ biển phía Tây nhập khẩu nhiều dầu thô của Nga thì đúng, có khả năng một lượng dầu thô của Nga đã tuồn vào trong quá trình sản xuất các sản phẩm này” – Koen Wessels, chuyên gia phân tích về các sản phẩm dầu đến từ công ty Energy Aspects nói.

Việc các hãng sản xuất của châu Âu hoặc châu Á mua dầu thô của Iran, Venezuela hay Nga là không phạm pháp, nhưng những hoạt động mua bán này lại bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế có liên quan – ví dụ các ngân hàng và công ty vận tải biển tự khiến mình bị trừng phạt – và thêm nữa là các rủi ro về chính trị khi làm ăn với các quốc gia trên. Bởi vậy, cũng giống như dầu thô Iran, lựa chọn tốt nhất đối với dầu thô Nga và các khách hàng của họ là che giấu nguồn gốc.

Khách hàng Trung Quốc tìm cách che giấu nguồn gốc dầu thô Nga để giảm chi phí vận chuyển (Ảnh: Reuters)

Khách hàng Trung Quốc tìm cách che giấu nguồn gốc dầu thô Nga để giảm chi phí vận chuyển (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, ngày càng có nhiều tàu hàng chở dầu thô của Nga tắt thiết bị GPS, mà trong ngành công nghiệp này gọi là “go dark” (đi vào bóng tối), theo công ty dữ liệu Windward của Israel. Điều này khiến cho hoạt động mua bán trở nên khó dò hơn.

Các khách hàng Trung Quốc đang tìm cách che giấu dầu thô Nga để tránh chi phí cao khi vận chuyển chúng, nhiều nhà buôn cho hay. Mặc dù có rất ít công ty bảo hiểm và vận tải dám động vào số dầu này do bị đánh phí cao hơn từ 3 – 5 lần so với thời điểm trước cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn có một số sẵn sàng tiếp nhận.

Theo Wall Street Journal