Các doanh nghiệp truyền hình bàn cách gia tăng doanh thu dịch vụ truyền hình thu tiền

VietTimes -- Truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, có xu hướng bão hòa. Trong khi đó, thuê bao thu truyền hình OTT lại tăng trưởng mạnh với mức hơn 50%/năm
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PT-TH &TTĐT phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PT-TH &TTĐT phát biểu tại Hội thảo

Sáng 12/9, tại Huế, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT) tổ chức hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền”, nhằm đánh giá thực trạng dịch vụ, công nghệ truyền hình trả tiền tại Việt Nam và tìm kiếm các giải pháp gia tăng doanh thu đối với dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. 

Sự kiện do ông Nguyễn Thanh Lâm -  Cục trưởng Cục PT-TH &TTĐT chủ trì, cùng sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó, có đại diện 2 hãng truyền hình nước ngoài là HBO và Disney.

Theo thống kê của Cục PT-TH &TTĐT, Việt Nam có 72 cơ quan báo chí hoạt động PT-TH, 12 đại lý cung cấp kênh nước ngoài, 3 cơ quan báo chí biên tập kênh nước ngoài với số giờ chương trình tự sản xuất mới trung bình 612 giờ/279 kênh trong nước, cùng hàng trăm giờ chương trình liên kết sản xuất về nội dung giải trí. 

Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” diễn ra sáng 12/9 tại TP Huế với sự tham dự của hơn 100 đại biểu
Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” diễn ra sáng 12/9 tại TP Huế với sự tham dự của hơn 100 đại biểu

Cả nước hiện có 297 kênh truyền hình trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ PayTV của 36 doanh nghiệp được cấp phép.

Mặc dù có đến 80% người Việt Nam xem nội dung truyền hình do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên, tỷ lệ bình quân khán giả xem truyền hình và tiếp cận truyền hình có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, chỉ ở mức 4-5%/năm, trong khi đó, thuê bao thu truyền hình OTT lại tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 50%/năm.

Với xu hướng đó, doanh thu dịch vụ truyền hình OTT tăng trưởng 50% sau mỗi năm, trong khi doanh thu đối với loại hình truyền hình trả tiền truyền thống chỉ tăng trưởng ở mức 6-7%/năm. 

“Với tốc độ đó, dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống sẽ dần bão hòa trong tương lai, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT sẽ phát triển mạnh và dần chiếm ưu thế với những cơ hội, dư địa lớn. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đó, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình OTT sẽ ngày càng khốc liệt”- đại diện Cục PT-TH &TTĐT chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Cục PT-TH &TTĐT, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, xếp thứ 12 trên thế giới và xếp thứ 6 trong khu vực với 6 giờ 42 phút sử internet mỗi ngày, cùng xu hướng xem truyền hình miễn phí chiếm tỷ lệ cao.

Với những cơ hội và thách thức cho cả truyền hình trả tiền truyền thống và OTT, Cục PT-TH &TTĐT cho rằng, doanh nghiệp cần cung cấp các nội dung hấp dẫn, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc hợp tác dùng chung hạ tầng truyền dẫn, quản lý chất lượng tốt hơn để giảm giá thành dịch vụ. Đặc biệt là chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả trong kỷ nguyên CNTT, internet phát triển mạnh như hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình OTT đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, thực trạng và những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt. Đáng chú ý, đại diện Công ty FPT Telecom chia sẻ nội dung dịch vụ truyền hình OTT TV và các giải pháp đa dạng hóa nội dung trên dịch vụ hướng đến người xem.

Theo đại diện doanh nghiệp này, tâm lý sử dụng nội dung truyền hình ở Việt Nam khá khác biệt Có những bộ phim bom tấn công chiếu thành công tại các rạp, nhưng lại khá khiêm tốn trên dịch vụ truyền hình.

Điều đó cho thấy áp lực hướng đến phục vụ người xem rất khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ, công nghệ và nội dung, chủ động trao quyền cho người xem, thay đổi theo xu hướng của khách hàng để phục vụ người dùng tốt hơn.

Còn đại diện HBO khu vực châu Á cho biết, HBO cũng xuất phát từ đơn vị sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu người xem, HBO đã xây dựng hệ thống dịch vụ truyền hình chất lượng cao cùng thời lượng đủ lớn để phục vụ tốt thị hiếu người xem. Dịch vụ vụ giải trí truyền hình HBO GO và nhóm kênh quốc tế, cùng kho phim tự sản xuất hơn 3.000 giờ đã ra đời cùng các tính năng trải nghiệm tốt hơn, thư viện đa dạng và đầy đủ hơn,… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người xem.

Đại diện HBO khu vực châu Á đem lại góc nhìn khác về truyền hình trả tiền trong bối cảnh mới
Đại diện HBO khu vực châu Á đem lại góc nhìn khác về truyền hình trả tiền trong bối cảnh mới

Tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng các đơn giá truyền hình mang tính chính thống, hành lang pháp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình, tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị cung cấp nội dung truyền hình nước ngoài vào Việt Nam,… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm nội dung.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp trong cả nước, khi gia tăng hơn 14 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ OTT, nhất là đóng góp ý kiến cho công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, đóng góp vào ngân sách, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Đặc biệt là góp phần tuyên truyền các chính sách của đảng nhà nước.

“Cần bàn làm sao giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề cạnh tranh, giảm giá thành, xung đột lợi ích là nhiệm vụ của chính của các doanh nghiệp. Các sức ép cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền là xu thế và các doanh nghiệp cần có các chính sách để đi cùng nhau trong trong xu hướng phát triển toàn cầu.

Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cùng Bộ TT&TT phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, truyền thông, cạnh tranh, vi phạm bản quyền, trốn thuế,… Nhất là khi Nghị định 06 được ban hành, thì các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết và trật tự trong lĩnh vực sẽ được thiết lập, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với ngành truyền hình trả tiền, đồng thời cũngc có những chế tài cứng rắn xử lý vi phạm bản quyền và các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên" - ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.