Bưu điện Việt Nam có tới 13.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã

Chỉ tính riêng năm 2015 toàn quốc đã có gần 9 triệu người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các phần việc gồm: cấp chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội... với tổng kinh phí gần 1.840 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016
Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016

Sáu tháng đầu năm 2016, doanh thu toàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đạt 50% kế hoạch năm, tăng 39% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 50% kế hoạch, tăng 46% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty mẹ doanh thu đạt trên 50% kế hoạch năm, tăng 41% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 52% kế hoạch, tăng 41% so với cùng kỳ. 

Đây là những con số được Bưu điện Việt Nam công bố tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của đơn vị này. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, nhóm dịch vụ bưu chính chuyển phát và phân phối truyền thông có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, nhóm dịch vụ tài chính bưu chính đã thực hiện đạt xấp xỉ 60% so với kế hoạch và còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ hành chính công.

Với mạng lưới 13.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã, Bưu điện Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành cung cấp dịch vụ hành chính công, triển khai cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng năm 2015 toàn quốc đã có gần 9 triệu người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các phần việc gồm: cấp chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội... với tổng kinh phí gần 1.840 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với việc mở rộng địa bàn chi trả lương hưu và chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến nay Bưu điên Việt Nam đã thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên toàn quốc. Theo đánh giá của đông đảo người thụ hưởng, việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua Bưu điện diễn ra khá nhanh gọn, thuận tiện. Đa phần người thụ hưởng trên cả nước đều hài lòng và đồng thuận với việc chi trả như hiện nay. Ngoài ra, công tác chi trả bảo trợ xã hội cũng đã được mở rộng thêm 4 tỉnh là Kiên Giang, Kon Tum, Thừa Thiên Huế và Bắc Ninh. Tính đến hết tháng 6, cả nước có 22 đơn vị tổ chức triển khai công tác này.  Dự kiến hàng chục địa phương khác cũng sẽ sớm đưa việc chi trả bảo trợ xã hội vào phục vụ người dân ngay tại các xã, phường.

Bên cạnh dịch vụ tiếp nhận, làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) và chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp đổi GPLX tới tận tay người dân, Bưu điện Việt Nam còn triển khai việc thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông cho người dân trên cả nước. Nhờ đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận, thời gian nhận lại tất cả giấy tờ tối đa từ 2 - 5 ngày, hiện các dịch vụ mới đầy tiện ích này đang được đông đảo người dân ủng hộ và trực tiếp sử dụng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao việc triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ tại một số điểm Bưu điện văn hóa xã  trong thời gian qua của Bưu điện Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chỉ đạo Tổng công ty cần tiếp tục đẩy mạnh đà tăng trưởng trên cả 3 trụ cột (bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông) để có kết quả tốt hơn nữa trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời phải luôn chú trọng tới việc nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sự an toàn, nhanh nhạy, chuyên nghiệp trong phục vụ. 

Riêng đối với sự phát triển của các điểm Bưu điện văn hóa xã, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Tổng công ty Bưu điện tiếp tục triển khai các phương án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã gắn với chương trình nông thôn mới của Chính phủ.

Theo MIC.gov.vn