Nhà ngoại giao Brazil cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti rằng: “Theo tôi biết, một hợp đồng về việc bàn giao 3 thệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1, trị giá khoảng 500 triệu USD, có thể sẽ được ký trong năm 2016".
Hồi cuối tháng 6-2015, Đại sứ Guerreiro cũng nói rằng, về cơ bản thương vụ mua các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga đã được thông qua, Brazil sẽ ký hợp đồng mua các hệ thống này trong nửa đầu năm tới.
Ông giải thích rằng, ngân sách quốc phòng năm 2015 của Brazil không bao gồm kinh phí cho thương vụ mua sắm này. Do vậy, hiện các cơ quan chức năng Brazil đang cân đối ngân sách để đảm bảo cấp cho bộ quốc phòng khoản chi tiêu mua sắm tương ứng trong năm 2016.
Sau chuyến làm việc của phía Nga sang Brazil cuối năm 2014, hai nước đã hợp tác tích cực hơn trong các lĩnh vực công nghệ cao như vũ trụ, đóng tàu và hàng không. Nhiều hợp đồng mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự giữa hai nước cũng sẽ sớm được ký kết trong thời gian tới.
Pantsir-S1 (NATO gọi là SA-22 Greyhound) do Cục Thiết kế Máy công cụ KBP của Nga phát triển nhằm chống lại mọi mục tiêu bay ở tầm thấp như: Máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, máy bay không người lái và cả mục tiêu trên bộ. Hệ thống pháo/tên lửa phòng không này lần đầu được biên chế cho lục quân Nga vào năm 2012.
Vũ khí chính của Pantsir-S1 là 12 tên lửa đánh chặn 57E6 (phiên bản xuất khẩu là 57E6-E) có tầm bắn hiệu quả 20km, tầm cao 15km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn có 2 pháo 2A38 cỡ nòng 30mm, với tốc độ bắn của mỗi pháo lên đến 2.500 viên/phút và có tầm bắn hiệu quả lên đến 4km. Radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên đến 36km.