Thực ra, sau sự chia tay của HLV Trương Việt Hoàng, cùng việc HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh về Becamex Bình Dương, HLV phó Ngô Anh Tuấn về VPF; 14 cầu thủ hết hợp đồng, ban lãnh đạo Hải Phòng đã quyết định xây dựng lại đội bóng. Nhưng rốt cuộc tính đi, tính lại thì việc mời lại HLV Ngô Quang Trường vẫn là phương án khả dĩ nhất.
Nhắm một người…
Bầu Hùng của Hải Phòng với mối quan hệ thân thiết với bầu Thanh, đã không khó để đem Quang Trường về lại sân Lạch Tray sau 1 mùa biệt phái. Ban đầu, BHL của Hải Phòng dự định ngoài HLV trưởng Ngô Quang Trường còn bổ sung hai HLV phó là ông Phạm Quang Thành và ông Phạm Anh Tuấn cộng thêm một HLV thủ môn.
Nhưng rốt cuộc tại sân Vinh HLV Đức Thắng đã “quá tam ba bận” xin rút lui khỏi cương vị cầm quân SLNA khiến Ngô Quang Trường đột ngột bị triệu về Nghệ An bỏ lại 2 chiến hữu Phạm Anh Tuấn và ông Đinh Văn Dũng cũng vừa chân ướt chân ráo đến thành phố Cảng.
HLV Đinh Văn Dũng sinh năm 1959 tại TP. Thanh Hóa là người có bộ sưu tầm huy chương các giải trẻ nhiều nhất SLNA. Ảnh AT
|
Không có Quang Trường nhưng Chủ tịch Trần Mạnh Hùng cũng chẳng còn có sự lựa chọn nào hơn. Tại thời điểm này không nhiều HLV nội muốn làm việc dưới trướng bầu Hùng, còn lựa chọn HLV ngoại thì không thể ngày một, ngày hai. Ông đành “so bó đũa, chọn cột cờ” khi sẽ lựa chọn 1 trong 2 cái tên Phạm Anh Tuấn và ông Đinh Văn Dũng của lò SLNA để cầm quân mùa giải V.League 2020.
Phạm Anh Tuấn xuất thân từ hậu vệ phải, cùng thời với Thành Long, Văn Lưu, Hữu Thắng, Quang Trường... Sau khi giải nghệ Phạm Anh Tuấn từng làm HLV phó, rồi trở thành quyền HLV trưởng đội bóng hạng Nhất là CLB Vinakansai Ninh Bình, sau khi Văn Sỹ Hùng bị sa thải.
Không phải là người được đánh giá có chuyên môn cao nhưng khi cầm quân SLNA, việc đầu tiên là Hữu Thắng mời Tuấn “Thảo” làm phó tướng. Khi Hữu Thắng bất ngờ rời ghế HLV thì Phạm Anh Tuấn vẫn tiếp tục sát cánh cùng Ngô Quang Trường, rồi Đức Thắng. Đúng như nhận định của những người am hiểu SLNA, chỉ một thời gian ngắn sau đó Phạm Anh Tuấn xin nghỉ tham gia BHL vì “lý do gia đình”. Tính ra, Phạm Anh Tuấn đã ngồi cabin HLV SLNA đúng 10 năm, qua 3 đời HLV trưởng, một người được đánh giá “rất đời”.
CĐV Hải Phòng nổi tiếng với tình yêu bóng đá. Ảnh HPFC
|
Mát tay đào tạo trẻ
Trong khi đó HLV Đinh Văn Dũng sinh năm 1959 tại TP. Thanh Hóa là người có bộ sưu tầm huy chương các giải trẻ nhiều nhất SLNA, nếu như không muốn nói là nhất sân cỏ Việt Nam. “Thầy Dũng” trưởng thành từ đội Quân khu 4 nhưng phải đến khi chuyển về SLNT mới thành danh. Với lối chơi đa năng, Đinh Văn Dũng bao giờ cũng có mặt trong đội hình chính và là nhân tố không thể thay thế của đội bóng xứ Nghệ trong khoảng những năm từ 1985 đến 1995.
Khi treo giày, chuyển sang làm công tác huấn luyện, cùng với HLV Nguyễn Văn Thịnh, “thầy” Đinh Văn đã “đãi cát, tìm vàng” những cái tên như Văn Quyến, Như Thuật, Hồng Sơn… Trong vai trò HLV của các đội trẻ, Đinh Văn Dũng đã cùng các đội trẻ xứ Nghệ gặt hái được rất nhiều thành công ở giải quốc gia.
Ngoài việc cùng U.21 SLNA vô địch toàn quốc năm 2012, 2014; Đinh Văn Dũng còn cùng U.21 Báo Thanh niên Việt Nam gây tiếng vang lớn ở giải quốc tế. HLV Đinh Văn Dũng từng tham gia 4 lần với tư cách HLV trưởng, 2 lần vô địch và những lần còn lại đều là ngôi á quân. Ngoài U.21, HLV Đinh Văn Dũng từng là HLV trưởng U.16 và U.22 Việt Nam.
Dù được nhiều đội bóng chuyên nghiệp mời dẫn dắt cũng như đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau ở các đội tuyển trẻ quốc gia nhưng HLV Đinh Văn Dũng đều từ chối. Giấc mơ lớn nhất của ông vẫn là xứ Nghệ, với tâm nguyện đưa “lò” Sông Lam trở thành một trung tâm đào tạo trẻ có quy mô, tầm cỡ. Chỉ đến khi đàn em Ngô Quang Trường có lời mời ra Hải Phòng, ông mới khăn gói xa gia đình…Với quan hệ tốt với VFF khi còn cầm quân U21 Việt Nam, ông rất cần cho các đội bóng quyết làm lại từ đầu như Hải Phòng hiện nay.
Và chọn một người
Khi bộ ba tướng-sĩ-tượng khuyết đi người đứng đầu thì đối với Phạm Anh Tuấn và Đinh Văn Dũng ai lên ngồi ghế nóng mà Ngô Quang Trường để lại thì người kia cũng hết lòng ủng hộ. Việc Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm chưa hẳn là do yếu tố chuyên môn mà bầu Hùng đã cùng với Phạm Anh Tuấn và Đinh Văn Dũng tính toán ai cầm quân sẽ có lợi cho CLB hơn mà thôi.
Việc Phạm Anh Tuấn được giao trọng trách và sau đó chính HLV họ Phạm đề nghị bổ sung Lê Quốc Vượng vào thành phần BHL để làm cầu nối giữa cầu thủ với 2 ông thầy được cho là giải pháp tình thế nhưng hợp lý.
Khi còn thì đấu Vượng là số ít cầu thủ Việt có lối đá bốc lửa khiến các cầu thủ Thái ngại đối đầu. Ảnh Soha
|
Sau những thăng trầm cuộc đời cầu thủ, Quốc Vượng đi làm kinh doanh cho một hãng rượu Nga. Với gia đình, Quốc Vượng là ông bố có trách nhiệm, ngoài thời gian đi như con thoi các địa phương phía bắc, hễ rảnh là về nhà phụ việc với vợ con. Khi rảnh, Vượng lại lên sóng truyền hình ngồi bình luận bóng đá, rất nét.
Có lần ngồi chuyện trò với tôi và TS Lê Thống Nhất, Quốc Vượng tâm sự: “Khi rảnh em vẫn ra sân đá phủi, bây giờ mà về làm thầy tại SLNA là điều cực khó, nhưng em vẫn mơ một ngày được làm nghề, đội nào cũng được”. Không hiểu sao khi đó, tôi và TS Lê Thống Nhất đều tin ngày đó sẽ đến.
Tháng 9 năm ngoái vừa nhận HLV bằng C do AFC, cơ hội đã đến với người đàn ông xứ Nghệ 37 tuổi đã phải từng trả giá rất đắt đời cầu thủ khi được Hải Phòng mời về làm HLV phó. Đôi khi những trải nghiệm đắng cay cuộc đời sẽ được chính Vượng chia sẻ cùng đàn em. Về chuyên môn, khi còn thì đấu Vượng là số ít cầu thủ Việt có lối đá bốc lửa khiến các cầu thủ Thái ngại đối đầu, đó chính là cái mà Hải Phòng đang cần.
Bóng đá Hải Phòng đã có chất riêng, với bộ ba Tuấn-Dũng-Vượng đầy cá tính, nếu có đủ thời gian, có thể không vô địch nhưng đội bóng đất Cảng sẽ là kẻ phá bĩnh đối với bất cứ CLB nào muốn xưng vương.