Bốn bất cập của Luật Du lịch và hướng sửa đổi

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi được thiết kế theo hướng tạo một hành lang pháp lý an toàn, một môi trường kinh doanh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp, do luật hiện hành đã bộc lộ một số bất cập trong quá trình thực hiện.
Vệt Nam có tiềmm năng lớn về du lịch nhưng ngành công nghiệp không khói này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Thác Bàn Giốc - một thắng cảnh (nguồn: xemanhdep.com)
Vệt Nam có tiềmm năng lớn về du lịch nhưng ngành công nghiệp không khói này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Thác Bàn Giốc - một thắng cảnh (nguồn: xemanhdep.com)

Sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch (2005), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “(Luật) đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế”.

Thực tế, tính đến nay, có hơn 1.500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch và gần 19.000 cơ sở lưu trú du lịch... Riêng năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 337.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 6% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Du lịch (2005) đã bộc lộ một số bất cập (như nhiều quy định liên quan đến chính sách về ưu đãi, đầu tư, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, quyền và nghĩa vụ của khách du lịch,...) không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Về xếp hạng khu, điểm du lịch

Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện (tự nhiên, diện tích, chất lượng dịch vụ, khả năng cung cấp các dịch vụ...) để công nhận các khu du lịch, điểm du lịch và xếp hạng theo hai cấp: cấp quốc gia (do Thủ tướng Chính phủ công nhận) và cấp địa phương (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận).

Tuy nhiên, luật hiện hành không xác định khu, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ. Luật cũng công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định đánh giá...

Đó là chưa kể, theo Luật Du lịch (2005) thì khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế doanh nghiệp, thuế đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng...  trong khi theo Luật Đầu tư (mới) thì du lịch không còn được coi là ngành nghề được hưởng ưu đãi nữa!

Vì vậy, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi được thiết kế theo hướng các khu, điểm du lịch được thẩm định, xếp hạng công khai, công bằng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn đối với khách du lịch khi đi du lịch tại những khu du lịch, điểm du lịch đã được xếp hạng.

Dự luật đã thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận, và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng. Cụ thể, dự luật đã phân cấp mạnh về thẩm quyền công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tuyến dưới (dựa trên tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá, thẩm định và công nhận).

Về điều kiện kinh doanh lữ hành

Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng quy định qua loa về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa nên đã tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa.

Cụ thể, luật quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Đây  là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật).

Nhưng đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa luật không quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh, không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc. Thực tế cho thấy các cơ quan chức năng không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí có trường hợp kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp.

Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dự luật đã bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các quy định cụ thể liên quan đến việc cấp, sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành. Theo đó dự luật nghiêm cấm hành vi kinh doanh lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành, không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành, nghề, phạm vi kinh doanh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh.

Về thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch

Theo luật hiện hành,“hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành” (điều 73). Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể?

Về điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, theo quy định, “phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện, có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên…”

Đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có thêm các điều kiện “có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, sử dụng thành thạo ngoại ngữ”.

Nhưng thực tế đang tồn tại trường hợp người có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì không hướng dẫn được khách quốc tế (do không xin được việc tại các doanh nghiệp lữ hành quốc tế), còn người có thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế do thiếu hướng dẫn viên vào mùa cao điểm thì có thể hướng dẫn khách quốc tế; hoặc đối với những người sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng nhưng không có trình độ cử nhân nên không cấp thẻ được để họ có thể hành nghề hướng dẫn hợp pháp, nhưng khi doanh nghiệp không tìm được hướng dẫn viên phù hợp vẫn phải sử dụng họ, dẫn đến đến trường hợp hành nghề trái quy định.

Hoặc những trường hợp người tốt nghiệp cao đẳng không phải chuyên ngành hướng dẫn nhưng học tại các trường đào tạo về du lịch, mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác về cấp thẻ mà không thể xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế do trái quy định pháp luật hiện hành.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do Luật Du lịch (2005) quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cao hơn so với tiêu chuẩn nghề lao động, mà thực tế nếu là nghề thì chỉ cần đáp ứng kỹ năng nghề là đạt yêu cầu; và luật cũng không quy định cụ thể hình thức đào tạo hay cách thức có chứng chỉ hướng dẫn nghiệp vụ du lịch (được xem là chứng chỉ nghề).

Hậu quả của việc này là: (i) đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thì không có biện pháp quản lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi muốn cấp thí điểm thẻ hướng dẫn viên đặc cách cho đối tượng đã làm nghề hướng dẫn lâu năm (đã hoạt động trước khi có Luật Du lịch 2005), sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng trong khi nhu cầu xã hội rất cao; (ii) Đối với doanh nghiệp thì không có đủ lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp để phục vụ đáp ứng yêu cầu hướng dẫn khách; (iii) Đối với công dân thì không tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng các điều kiện để được cấp thẻ hành nghề.

Do đó, dự luật đã điều chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành, tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện và thay đổi nhận thức về nghề hướng dẫn du lịch; đáp ứng yêu cầu khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết; tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Cụ thể, dự luật đã điều chỉnh cách thức để có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Quy định rõ ràng, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, đặc biệt là trong việc học và nhận chứng chỉ nghề hướng dẫn du lịch, không gây mất thời gian và tốn kém về vật chất đối với công dân...

Về thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Mục tiêu của thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bảo đảm khách du lịch được sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch có chất lượng và đúng giá trị của loại, hạng dịch vụ. Tại các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch phải được thẩm định xếp hạng đúng với thực trạng của cơ sở vật chất và dịch vụ được bán đúng giá.

Nhưng thực tế một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng vì Luật Du lịch (2005) chưa có quy định.

Vì vậy, dự luật hướng đến việc tạo nên một hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, trình tự, thủ tục và hồ sơ đơn giản, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ổn định bền vững. Đồng thời loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, không bỏ lọt đối tượng không được điều chỉnh (nhà nghỉ) nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch.

Cụ thể dự luật bổ sung quy định về các loại cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

Theo TBKTSG