“Bom nợ” Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng phạm vi toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Gã khổng lồ” trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả khôn lường đối với các thị trường toàn cầu.
Sự sụp đổ của Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu (Ảnh: Reuters)
Sự sụp đổ của Evergrande có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Nhà phát triển bất động sản Evergrande Group của Trung Quốc từ chỗ một gã khổng lồ có tầm cỡ quốc tế giờ đã trở thành một “trái bom nợ” nguy hiểm, với khoản nợ lên tới hơn 300 tỉ USD. Cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm hơn 10% trên sàn giao dịch ở Hong Kong trong hôm đầu tuần này, và giảm 72% nếu tính từ đầu năm.

Và hiện tại, cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn này đã tạo nhiều đợt dư chấn tới các thị trường toàn cầu.

Khởi nguồn của “bom nợ” Evergrande

Được thành lập vào năm 1996, xuất thân với tên gọi là Hengda Group, công ty này là một trong số những công ty lớn nhất ở Trung Quốc. Họ được cho là sở hữu hơn “1.300 dự án ở 280 thành phố của Trung Quốc”. Evergrande là tập đoàn lớn tầm cỡ quốc tế, đứng ở vị trí thứ 122 trên thế giới xét về doanh thu, theo danh sách Fortune Global 500, và có trụ sở chính ở tỉnh Quảng Đông.

Trong suốt nhiều năm liền, Evergrande đã mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài lĩnh vực bất động sản, và giờ đã tham gia vào hàng loạt lĩnh vực khác nhau, bao gồm xe điện, Internet, truyền thông và thực phẩm.

Rắc rối của công ty này xuất hiện kể từ khi thị trường bất động sản Trung Quốc nhảy vọt, khi mà nhu cầu nhà ở tại nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải tăng mạnh, khiến giá nhà tăng nhanh chóng mặt.

Thời điểm đó, Evergrande mạnh tay lấy về hàng loạt khoản vay và nhanh chóng mở rộng hoạt động, thu mua vô số bất động sản và hưởng lợi lớn từ nền kinh tế thịnh vượng của Trung Quốc.

Nhưng khi giá bất động sản bắt đầu giảm ở các thành phố nhỏ hơn, và khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế vay mượn đầu cơ bất động sản, Evergrande bị đẩy vào vị trí chao đảo, ôm cả núi nợ vào người.

Công ty này đã liên tục cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể bị vỡ nợ vào bất cứ lúc nào. Thomas Thornton, Chủ tịch của quỹ phòng hộ Telemetry LLC, từng mô tả nhà phát triển bất động sản này là đang trong “vòng xoáy tử vong”.

Tác động tới Trung Quốc

Đầu tiên, tầm ảnh hưởng từ “trái bom nợ” Evergrande bao trùm cả những người dân là khách hàng mua nhà, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào bất động sản trước khi các dự án được khởi công, cho tới các công ty hợp tác làm ăn với Evergande. Tất cả đều phải đối mặt với thảm họa.

Thêm nữa, vụ việc của Evergrande cũng gây ảnh hưởng tới cả hệ thống tài chính của Trung Quốc, bởi công ty này nợ tiền khoảng 170 ngân hàng nhà nước và hàng chục công ty tài chính khác. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về khủng hoảng tín dụng.

Nói chung, “sự sụp đổ của Evergrande sẽ là phép thử lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc từng gặp phải trong suốt nhiều năm”, Mark William, trưởng kinh tế học tại Capital Economics, nói với hãng CNBC.

Tác động tới toàn cầu

Mặc dù thoạt nhìn thì Evergrande có vẻ như chỉ là một vấn đề của Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng bác bỏ. Họ cho rằng Evergrande không khác gì “khoảnh khắc Lehman Brothers của Trung Quốc” – nhắc tới tập đoàn tài chính hùng mạnh phá sản vào năm 2008, dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Williams nói rằng, có khoảng 1,4 triệu người đã chi tiền đặt cọc và chờ nhận nhà từ các dự án phát triển của Evergrande. “Giờ chúng ta không biết liệu họ còn có thể xây được nhà hay không, nhưng khả năng cao là không”, ông nói, thêm rằng một số dự án nhà ở đang trong nhiều giai đoạn xây dựng khác nhau.

Rủi ro ở đây là, nếu như các công ty bất động sản cũng gặp rắc rối, giá trị bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng và gây nên tình trạng bất ổn trên thị trường nhà ở. Người tiêu dùng vốn là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, bởi vậy mà khi thị trường nhà ở gặp vấn đề, nó cũng lan sang cả lĩnh vực tiêu dùng.

Ảnh hưởng cũng có thể lan tới các thị trường khu vực và toàn cầu, do thị trường nhập khẩu của Trung Quốc bị suy yếu và nhu cầu vật liệu thô suy giảm.

“Các nhà đầu tư không chắc liệu chính quyền Trung Quốc có đủ khả năng để ngăn chặn tầm ảnh hưởng từ sự sụp đổ của công ty nặng nợ này hay không” – Fawad Raazaqzada, chuyên gia phân tích thuộc hãng Thinkmarkets nói về cuộc khủng hoảng.

Có nhiều lo ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande gây ra “sự lây lan”, kéo theo hàng loạt vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu. Tim Anderson, giám đốc hãng TJM Investments, nói rằng tình hình hiện nay “làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu có thêm những công ty và tình huống tương tự mà các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hay không”; theo New York Post.

Nỗi quan ngại này đã được thể hiện khá rõ ở châu Âu và Phố Wall, khi chỉ số Dow Jones giảm 971 điểm trong hôm đầu tuần, do lo ngại thị trường bất động sản Trung Quốc gây ra tình trạng bán tháo trên toàn cầu. Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản ở Hong Kong, Trung Quốc cũng sụt giảm.