Báo cáo trước UBTVQH hôm qua (15/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP là 4,95%. Trong khi một số dự báo khác cho thấy, khả năng năm nay bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều.
Quyết liệt tiết kiệm, bội chi vẫn vọt tăng
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm nay quyết liệt thực hiện chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.
Đặc biệt, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng cho hay, năm nay chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên ngoài lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương.
Bên cạnh đó, thực hiện chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; phấn đấu tinh giản biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong cơ quan nhà nước…
Trong khi trước đó, năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù các cấp, các ngành đã chủ động tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, công tác phí trong nước và ngoài nước, các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội…. thì cả nước tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014). Còn bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, bằng 6,11%/GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.
Cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, 5 tháng đầu năm 2016, ngân sách nhà nước bội chi gần 70.000 tỷ đồng.
Dự báo bội chi năm 2016 sẽ vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra
Trong khi đó, một báo cáo vĩ mô mới đây của Ngân hàng HSBC dự báo bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay khoảng 6,6% GDP. Các chuyên gia HSBC giải thích: Ngân sách của Việt Nam suy giảm có thể bắt nguồn từ việc lợi nhuận giảm đều (mặc dù tình trạng thiếu kiểm soát chi tiêu cũng là một vấn đề). Lợi nhuận tài chính suy giảm vì hai nguyên nhân chính: 1) doanh thu dầu mỏ nhà nước giảm, do giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm mạnh và 2) doanh thu thuế các ngành không thuộc dầu mỏ cũng đi xuống.
Phân tích về giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm đã hạ thấp doanh thu dầu mỏ nhà nước nhưng thu nhập từ thuế vẫn đang chịu áp lực, HSBC cho rằng, doanh thu dầu mỏ chiếm 4,3% GDP năm 2012 nhưng HSBC ước tính con số này đã hạ xuống mức 1,5% GDP trong năm 2015 dựa trên chuyển biến giá cả hàng hóa. Ngược lại, doanh thu tài chính từ các ngành ngoài dầu mỏ (chủ yếu là thuế) lại tăng mạnh trong những năm gần đây, mặc dù xu hướng này cũng đang chậm lại. Tỷ lệ tăng trưởng của 3 nguồn thu thuế chính tại Việt Nam: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế quan.
Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, xét về hiệu suất thu thuế, Việt Nam đang trội hơn các nước trong khu vực nhưng cơ sở này lại đang dần mai một. Ví dụ, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn đã giảm từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1.2014 và nằm ở mức 20% vào ngày 1/1/2016.
Hơn nữa, vùng kinh tế đặc biệt và một số lĩnh vực ưu tiên cao được áp dụng mức thuế ưu đãi như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, phần mềm. Trong khi đó, doanh thu thuế quan vẫn chịu áp lực, do Việt Nam đang tham gia ngày một nhiều các hiệp định thương mại tự do. Thiếu nỗ lực mở rộng cơ sở thuế và cải thiện hiệu quả thu thuế, doanh thu tài chính từ các ngành không phải dầu mỏ sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những năm kế tiếp.
Hơn nữa, theo HSBC, thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước) đã tăng từ 59,6% nằm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại và đồng tiền Việt Nam mất giá. HSBC dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc Hội đề ra 65%.
Còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cán cân ngân sách tiếp tuc xu hướng thâm hụt lớn. Việc sụt giảm trong một số nguồn thu chính buộc Chính phủ phải tăng cường thu từ các nguồn khác nhằm bổ sung ngân sách. Trong khi đó, xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Cơ quan điều hành không có những quyết tâm cần thiết trong việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên, và khôi phục lại cân đối ngân sách. Vì thế, năm 2015, thâm hụt ngân sách ước tính bằng 6,34% GDP, lớn hơn nhiều so với mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đưa ra.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt đạt 6,2%, 6,3% và 6,3%, đặc biệt là Việt Nam sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn. WB cho rằng, một trong những vấn đề của nền kinh tế chính là tình trạng thâm hụt ngân sách ở Việt Nam đã kéo dài trong suốt nhiều năm và dự báo tình hình thâm hụt trong trung hạn cũng như vậy. Thâm hụt tài khóa năm 2014 của Việt Nam là 6,2%, năm 2015 là 6,5% và dự báo các năm từ 2016 đến 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thâm hụt ở mức 5,9% đến 5,5%.
Theo VOV