Bộ trưởng Tài chính với "túi tiền vơi", điều hành như "đi trên dây"

Năm 2016, gần 1/4 ngân sách sẽ phải dành cho chi trả nợ trong khi thu ngân sách không đủ bù chi, các khoản nợ đụng trần... vẫn đang là những “gánh nặng” đè lên vai Bộ trưởng Bộ Tài chính thời gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhậm chức muộn hơn những người đồng cấp tới gần 2 năm, nhưng thời điểm mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận trọng trách gánh vác ngành tài chính cũng không được coi là thuận lợi, khi kinh tế bắt đầu rơi vào khó khăn, thu ngân sách bắt đầu gặp khó. Bộ trưởng Bộ Tài chính với tư cách người “giữ túi tiền” ngân khố quốc gia đã khá chật vật trong việc xoay xở với các khoản thu ngân sách để làm sao thu đủ để bù đắp cho các khoản chi. Trong suốt nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, gần như năm nào ngân sách cũng “về đích” vào phút chót.

Bộ trưởng Tài chính với "túi tiền vơi", điều hành như "đi trên dây" ảnh 1

Đối diện khó khăn đầu tiên và cũng là khó khăn đeo đẳng vị trưởng ngành tài chính từ đầu nhiệm kỳ tới nay là cơ cấu khoản thu trọng yếu trong cân đối thu ngân sách quốc gia thay đổi mạnh. Nếu trước đây tỷ lệ thu từ dầu thô chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách nhà nước, khi giá dầu thô giảm tốc dẫn tới nguồn thu từ dầu thô suy giảm đáng kể thì ngân sách nhà nước gần như chỉ trông chờ vào một khoản duy nhất – thu nội địa.

Ngân sách thu “bấp bênh” từ giá dầu giảm, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, chưa thể bỏ thu từ dầu thô ra khỏi cân đối ngân sách. Bởi lý giải của bộ này, thu từ dầu thô giảm tốc chỉ ảnh hưởng tới ngân sách trung ương, còn ngân sách địa phương không những giảm, lại còn tăng. Do đó, thực tế giá dầu thô giảm nhưng tổng thu NSNN lại tăng.

Khoản thu giảm, cơ cấu thu thay đổi, ngành tài chính cũng phải đối mặt với nỗi ám ảnh nợ công, nợ nước ngoài đang ngấp nghé trần cho phép, nợ Chính phủ vượt trần. Nêu con số bội chi ngân sách năm 2015 đã lên tới 6,11%GDP, vượt mức Quốc hội cho phép, đẩy nợ công tăng theo, lên 62,2%GDP và nợ Chính phủ cũng đã vượt trần, tăng tới 50,3%GDP... TS. Bùi Đức Thụ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây sẽ là gánh nặng lớn đè lên vai Bộ trưởng Tài chính thời gian tới.

Tỏ ra đồng cảm với trưởng ngành tài chính, ông Thụ bày tỏ, “Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiều lần nói, điều hành ngân sách như đi trên dây, tôi rất thấm thía điều này”. Nhưng trước những con số nợ không ngừng tăng, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cảnh báo, nợ công thì phải giảm theo hướng bố trí thoả đáng trả nợ gốc, còn nếu chi đảo nợ tăng thì nợ công vẫn tăng vòn vọt không có ý nghĩa gì cả. Bên cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 86 ngàn tỷ và nợ ứng trước nguồn ngân sách nhà nước 84 ngàn tỷ, nếu quản lý lỏng thì an ninh tài chinh bị đe doạ.

Dù về tỷ lệ, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài... vẫn trong giới hạn, nhưng theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, xét về con số tuyệt đối rất đáng lo ngại, “nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn”.

“Vốn vay ODA vừa qua còn đầu tư dàn trải, thậm chí mang tính cho không đối với nhiều dự án, nhưng tới đây chúng ta sẽ phải chuyển sang vay và trả, không còn có thể thích thì tiêu, thì chi. Do vậy, kỷ luật ngân sách phải đưa lên hàng đầu”- ông Ngân nói và khẳng định, “Bộ trưởng Tài chính phải rất quyết liệt trong “giữ cửa” ngân sách mới tránh được tình trạng bội chi vượt dự toán”. 

Thực tế, khi thu giảm, áp lực chi gia tăng, các khoản nợ đụng trần... thì người giữ túi tiền của quốc gia khó lòng nghĩ tới chuyện trả bớt nợ. Nhưng thực tế, số tiền phải dành để trả cho các khoản nợ đến hạn đang ngày một tăng. Cụ thể, năm 2016 ngân sách sẽ phải dành khoảng 150.000 tỷ đồng dành cho trả nợ (chiếm 14,7% tổng thu NSNN). Nhưng nếu tính gộp tất cả các nghĩa vụ, bao gồm cả số đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ năm 2016 sẽ tăng lên khoảng 24% tổng thu NSNN, tương đương 245.000 tỷ đồng.

“Đó là điều chưa bao giờ có và rất đáng lo ngại” – TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thốt lên khi đánh giá về số tiền ngân khố quốc gia sẻ phải dành để trả nợ trong năm 2016, trong bối cảnh ngân sách mất cân đối.

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định, thâm hụt ngân sách sẽ là "trục" xuyên suốt của cả năm 2016. TS. Ánh cho rằng, để bù thâm hụt ngân sách có 3 cách: vay trong nước, vay nước ngoài và in tiền. Nếu vay nước ngoài không được buộc sẽ phải xoay sang vay trong nước. Lúc đó, Chính phủ sẽ buộc sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thông qua tăng lãi suất huy động. Thời hạn vay đối với trái phiếu theo đó cũng sẽ tăng lên.

Ông Ánh cho rằng, về mặt kỹ thuật vẫn có giải pháp để Chính phủ không phải nới trần nợ công mà tỷ lệ nợ này vẫn trong giới hạn an toàn. Nhưng vấn đề lại ở chỗ, đã là nợ thì phải “có vay, có trả”. Trong trường hợp bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguồn trả đang rất cam go, khi chi thường xuyên không đủ, chi đầu tư phát triển ngày càng giảm.... Còn thu ngân sách lại đang trong tình trạng không đủ bù chi tiêu, đầu tư trông chờ vào nguồn đi vay.

“Nghĩa là chúng ta lâm vào cảnh “đi vay để trả nợ”, dẫn tới vòng xoáy rất lớn trong điều kiện các khoản vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam không còn như trước mà sẽ khắt khe hơn. Nghĩa vụ trả nợ theo đó sẽ tăng lên” – ông Ánh nghi ngại.

Lo ngại ngân sách quốc gia thâm hụt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng người điều hành ngành tài chính phải siết chặt kỷ cương ngân sách, nếu không muốn “túi tiền ngân khố ngày một vơi cạn”.

“Năm 2016 và 5 năm tới phải thực hiện nghiêm túc chính sách tài khoá chặt chẽ, cơ cấu lại chi ngân sách trên tinh thần triệt để tiết kiệm”-  ông Bùi Đức Thụ nói.

TS. Trần Hoàng Ngân thì đề nghị, “phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm  nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài”.

Còn TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nêu quan điểm, người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu tác động từ gánh nặng về thu ngân sách. “Nguyên nhân rốt ráo của những sự nặng nề này rốt cuộc đều đến từ vấn đề kỷ cương chi ngân sách và nợ công, chi tiêu quá trớn... Đây là một câu chuyện lớn và cần bàn bạc kỹ hơn”- ông bình luận.

Theo Infonet