Tại phiên chất vấn, khá nhiều câu hỏi mà các đại biểu gửi cho Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn về tình hình mặt hàng nông sản sụt giá quá thấp ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi về việc các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long mua lúa giá thấp, thủy sản xuất khẩu bị chống bán phá giá, nhiều loại trái cây rớt giá… Từ đó nêu lên trách nhiệm và giải pháp của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn để bà con nông dân an tâm.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết tình hình tiêu thụ nông sản không đến nỗi không sáng sủa như đai biểu nêu. Trước kỳ họp Quốc hội, bản thân ông đã tới các tỉnh miền Tây để nắm tình hình. Ông Phát cho hay sáng nay (11.6), ông đã điện cho Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cần Thơ thì nghe báo cáo lúa được mùa, một số trái cây được mùa được giá. Hay như Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hậu Giang cũng báo cáo cam, chanh được mùa được giá, sản lượng lúa hè thu tăng từ 5,5 tấn/ha lên 6 tấn/ha.
“Không phải các mặt hàng nông sản đều giảm giá đâu. Trong 10 mặt hàng chủ lực thì có năm mặt hàng là gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra giảm giá. Còn hồ tiêu, hạt điều, sắn, rau quả tăng giá”, ông Phát nói.
Giải thích về việc dưa hấu ở Quảng Ngãi vừa qua giảm giá là do khả năng thông quan thấp trong khi sản xuất trong nước quá nhiều. Cả nước sản xuất tới hơn 1,2 triệu tấn dưa hấu, còn Quảng Ngãi chỉ hơn 100 ngàn tấn. Còn việc hành tím ở Sóc Trăng giảm là do trước đây 70% sản lượng xuất khẩu sang Indonesia mà vừa qua nước này lại siết nhập khẩu hành tím từ Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã sang Indonesia làm việc và cần phải có thời gian để mặt hàng này tiêu thụ bình thường trở lại.
Theo: Thanh Niên