Bộ trưởng Bộ TT&TT: 2022 sẽ là năm QLNN phải tạo ra sự thay đổi căn bản về đặt hàng báo chí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng taị Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 21/1.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Đài Tiếng nói Việt Nam là một cơ quan báo chí lớn của quốc gia, là Đài tiếng nói quốc gia. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là một Đài truyền hình lớn. Với nhân sự 2.500 người và nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng, với 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam có qui mô, vùng phủ và ảnh hưởng xã hội rất lớn”.

Đồng thời Bộ trưởng Hùng cũng khẳng định, năm 2022 sẽ là một năm đặc biệt khi cả nước thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia. VOV bắt tay xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam thành cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện theo Đề án sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, thay đổi về chất đối với Đài. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng VOV trong sự thay đổi này.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho rằng: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chủ yếu là cuộc cách mạng số, mà chúng ta gọi là chuyển đổi số. Lên môi trường số thì ai cũng có thể thành tờ báo, thành đài truyền hình, thành đài phát thanh. Lên môi trường số thì khán thính giả trở thành người chủ động lựa chọn, on-demand sẽ là cách sử dụng chủ đạo. Lên môi trường số thì sự sáng tạo là vô hạn. Lên môi trường số thì phải dùng công cụ lao động mới là công nghệ số. Vậy là, phương tiện làm việc mới, cách làm việc mới, khách hàng mới, cạnh tranh mới. Có thể nói, chuyển đổi số là sự đổi mới toàn diện. Đài Tiếng nói Việt Nam cần một sự quyết tâm rất cao để đổi mới. Chủ động trong quá trình này thì mới đảm bảo thành công”.

Đặc biệt khi nói đến những thách tức khó khăn trong vấn đề kinh tế báo chí, Bộ trưởng thừa nhận: “Chúng ta đã thấy sự phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo. Chúng ta đã thấy những cơ quan báo chí tự chủ, thiếu đặt hàng của Nhà nước và bị thị trường chi phối. Năm 2022 sẽ là năm quản lý Nhà nước phải tạo ra sự thay đổi căn bản về đặt hàng báo chí".

Đề cập đến vấn đề truyền thông, Bộ trưởng cho rằng, trước nay chúng ta vẫn coi truyền thông là của báo chí mà quên rằng truyền thông là của chính quyền, của các cơ quan, tổ chức, còn báo chí là phương tiện. Lường trước các vấn đề của truyền thông, có kế hoạch truyền thông, sử dụng đúng các phương tiện truyền thông là việc của các cơ quan, tổ chức. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kiện toàn cơ quan chuyên trách truyền thông của các bộ, ngành và các địa phương. Cùng với đó là chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan này.

Bộ trưởng Hùng cũng thừa nhận, đại dịch COVID-19 đi kèm theo đại dịch về tin giả. Cũng chính qua đại dịch tin giả ấy mà người đọc quay lại với giá trị cốt lõi của báo chí, đó là tin xác thực. Báo chí lên ngôi thay vì bị mạng xã hội nhấn chìm và lý do không bị nhấn chìm là do luôn trung thành với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng. "Qua hàng chục năm, đã có lúc nghi ngờ về chính mình, thì nay, chúng ta đã có niềm tin vững chắc vào những giá trị cốt lõi của mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.