Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vì việc cổ phần hóa và thoái vốn theo Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 hiện đang diễn ra quá chậm.
Cụ thể, trong tháng 9/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của duy nhất Công ty TNHH MTV DL - TM Kiên Giang được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa thuộc thuộc theo danh mục.
Còn lũy kế 09 tháng đầu năm có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó mới chỉ có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong tháng 9/2017, các đơn vị thoái được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra là do một số Lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Để đảm bảo nguồn thu đáp ứng cho NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao nhằm cân đối cho nhu cầu vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 01/12/2017.
Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.
Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC thực hiện bán 3,33% cổ phần của SCIC tại Vinamilk.