Cổng TTĐT Chính phủ dẫn nguồn thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN 5 tháng cuối năm 2017, Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ giao Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017.
Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2017, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 103 tỷ đồng, thu về 103 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 20 DN với giá trị là 1.394 tỷ đồng, thu về 12.238 tỷ đồng, bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 7 năm 2017, 26 DN đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này ước đạt 18.368 tỷ đồng.
Liên quan đến việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Sabeco và Habeco, ngày 14/7, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã rất tích cực trong việc thực hiện cổ phần hóa, và thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco.
Đối với Habeco, đơn vị này đã ký hợp đồng tư vấn về giải pháp thực hiện thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi với liên doanh gồm Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt và Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam. Hiện đơn vị đang hoàn thiện tờ trình về phương án thoái vốn để trình Bộ Công thương.
Đối với Sabeco, Tổng công ty này cũng đã ký hợp đồng với tư vấn giải pháp thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi với liên doanh gồm Công ty CP chứng khoán Bảo Việt, Công ty Ernst & Young và Công ty CP Thông tin và Định giá Việt Nam. Dự kiến, đơn vị tư vấn này đang xây dựng phương án thoái vốn để trình Bộ Công Thương về thoái vốn tại Sabeco trước 31/7. Việc thoái vốn tại các 2 đơn vị sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, chống lợi ích nhóm.
Được biết, Nhà nước đang sở hữu 89,59% vốn tại Sabeco và nắm giữ 82% vốn tại Habeco. Về thị phần bia nội địa, 2 đơn vị đang nắm giữ tới 60% thị phần, trong đó Sabeco chiếm khoảng 40%.
Tháng 10/2016, Habeco đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đến tháng 1/2017, Công ty tiếp tục niêm yết 231,8 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Với Habeco, nhà đầu tư có khả năng mua nhiều nhất là Carlsberg. Công ty này đang là cổ đông chiến lược giữ hơn 17% cổ phần Habeco và được quyền ưu tiên mua lại khi Nhà nước thoái vốn, nhưng vấn đề về giá sẽ là rào cản lớn nhất cho thương vụ.
Cách đây không lâu, đại diện Carlsberg cho rằng mức giá hợp lý của Habeco là 48.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu Habeco trên thị trường chứng khoán (HBN đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8 là 80.000đ/cp)