Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã truyền đi Thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc điều hành ngân sách Nhà nước năm 2015 và triển khai nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách năm 2016.
Một trong các nội dung đáng chú ý nhất của thông báo này là Bộ trưởng đề nghị Vụ Tài chính ngân hàng cần phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để đề nghị tạm ứng hoặc cho ngân sách Nhà nước vay khoảng 30.000 tỷ đồng.
Giải thích về khoản vay “nóng” này một số chuyên gia kinh tế đã cho rằng: Kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2015 được dự toán là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi mức chi là 1147,1 nghìn tỷ đồng. Mức chênh lệch thu - chi được bù đắp thông qua vay nợ, trong đó có kênh phát hành trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, thời gian qua việc phát hành trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trong bối cảnh lạm phát thấp, chỉ dưới 1%, Bộ Tài chính đã nâng lãi suất huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm lên mức 6,4%, nhưng vẫn khó huy động vốn.
Điều này dẫn đến thanh khoản của Kho bạc Nhà nước rơi vào tình trạng căng thẳng, khi các khoản chi vẫn được thực hiện theo dự toán.
Ngoài ra, tình trạng lạm phát thấp, giá dầu giảm mạnh so với kế hoạch cũng đe dọa khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2015.
Nếu không thu đủ, vay cũng không được, các khoản chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, sẽ bị cắt giảm (do chi thường xuyên và chi trả nợ được ưu tiên) và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng thấp, lạm phát và thu ngân sách cũng thấp, từ đó có thể tạo nên một vòng luẩn quẩn: “Tăng trưởng thấp – thu/chi ngân sách thấp - tăng trưởng thấp…”
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính buộc phải đưa ra đề xuất tạm ứng hoặc vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN.
Theo Trí thức trẻ