Nếu có một điểm yếu mà các đối thủ có thể dựa vào để tấn công Tesla Model S, chiếc xe tốt đến nỗi phá vỡ hệ thống xếp hạng của Consumer Reports, thì đó phải là giá. Chiếc ô tô điện trên có giá đắt kinh khủng, khởi điểm với 71.000 USD và giờ đã tăng lên 6 con số. Chiếc Model X SUV ra mắt tháng trước có giá lên tới 143.000 USD.
Để thu hút nhiều khách hàng hơn, Tesla đã cam kết mở bán dòng xe nhỏ và rẻ hơn Model 3 vào năm 2017. CEO Elon Musk hy vọng chiếc xe có giá 35.000 USD này sẽ gửi một thông điệp tích cực cho các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng tăng trưởng và sinh lời trong dài hạn của công ty.
Tuy nhiên, một số ông trùm ngành ô tô Trung Quốc tin rằng họ có thể đánh bại Tesla bằng cách bắt chước chính Tesla. Họ đang sở hữu nhiều lợi thế mà chỉ Trung Quốc mới có: giá nhân công rẻ, chuỗi cung ứng phong phú và luật sở hữu trí tuệ lỏng lẻo. Những doanh nhân này có kế hoạch sản xuất các phiên bản gần như giống hệt Model S và bán chúng với giá thấp hơn nhiều so với hàng thật.
Điểm mặt các anh tài sao chép
Mẫu xe sao chép Tesla có cơ hội thành công lớn nhất có lẽ là Le* Car. Đây là một dự án mới của LeTV, một công ty cung cấp dịch vụ streaming video được mệnh danh là Netflix của Trung Quốc. Công ty này được thành lập bởi Jia Yueting, tác giả của chiếc tivi thông minh bán chạy nhất Trung Quốc và chiếc điện thoại bán được 200.000 đơn vị chỉ trong vài giây mở bán. Le* Car được sao chép phần lớn từ Model S cộng với một số thiết kế của các dòng siêu xe ở Châu Âu.
Jia Yueting – đối thủ đáng gờm của Elon Musk ở Trung Quốc
Có nhiều lý do để tin vào thành công của Le* Car khi đứng đằng sau chiếc xe này là một đội ngũ hùng hậu. Tony Nie, nhà sáng lập của Lotus Engineering, hiện là giám đốc của dự án trên. Ông đã tuyển một nhóm 600 người để phát triển mẫu xe này. Trong đó, có nhiều tài năng được lôi kéo từ các ông lớn ô tô như General Motors, BMW, và cả chính Tesla.
Nie cho biết chiếc ô tô điện này sẽ có giá rất cạnh tranh và giúp mở rộng cơ hội kinh doanh các dịch vụ trực tuyến béo bở của công ty. Tháng 8 năm ngoái, Yueting đã bán cổ phiếu của mình để lấy 1,2 tỷ USD đầu tư cho dự án trên. Theo dự kiến, Le* Car sẽ được mở bán vào đầu năm 2018.
Một mẫu xe khác của Trung Quốc cũng sao chép ô tô của Tesla là Youxia Ranger X. Công ty sở hữu mẫu xe này được sáng lập bởi Huang Xiuyuan, một doanh nhân trẻ mới 28 tuổi ở Trung Quốc. Một nhóm gồm 50 kỹ sư và nhà thiết kế của công ty đã chế tạo xong dòng xe này trong có 16 tháng. Phần thân xe và nội thất được sao chép hoàn toàn từ Model S và thêm thắt một số chi tiết từ Lexus, Audi, và Maserati.
Bên cạnh thiết kế kiểu dáng, các tính năng kỹ thuật của Ranger X cũng được mô phỏng dựa trên ô tô của Tesla. Chạy bằng pin Panasonic, động cơ của Ranger X có thể tạo ra 348 mã lực, giúp xe tăng tốc từ 0 - 62 dặm/giờ trong 5,5 giây và đạt tốc độ tối đa là 140 dặm/giờ. Tốc độ này không nhanh bằng Model S. Nhưng một lần sạc 30 phút có thể giúp Ranger X đi được 286 dặm, xa hơn so với quãng đường mà chiến mã của Elon Musk có thể di chuyển.
Trung Quốc không phải là tay chơi duy nhất trong cuộc đua sao chép Tesla. Tại triển lãm ô tô Frankfurt vào tháng trước, một công ty Đài Loan đã làm nhiều người ngỡ ngàng khi ra mắt dòng ô tô điện Thunder Power. Dòng xe này có tầm lái 373 dặm, hơn 108 dặm so với Model S của Tesla. Hiệu suất của chiếc xe được cho là ngang ngửa với chiến mã của Tesla: 430 mã lực giúp chiếc xe đạt tốc độ 62 dặm/giờ trong 5 giây và tốc độ tối đa 155 dặm/giờ.
Giống như Le* Car, những tài năng đứng đằng sau Thunder Power là vô cùng đáng gờm. Phần thân của mẫu xe này được công ty thiết kế lừng danh của Ý Zagato đảm nhận. Các nhân vật máu mặt khác bao gồm cựu kỹ thuật viên của Bugatti, tiến sĩ Peter Tutzer và giám đốc sản phẩm Franz Schulte, cựu giám đốc của Porsche và Ford.
Chiếc Thunder Power
Thunder Power cho biết hãng sẽ mở bán chiếc xe có giá 62.730 USD này ở Châu Âu vào cuối năm 2017 và ở Trung Quốc vào năm 2018. Mức giá trên thấp hơn nhiều so với dòng xe tương đương Model S. Mục tiêu dài hạn của Thunder Power là xâm nhập thị trường Mỹ và cạnh tranh trực tiếp với Tesla.
Chuyện đã có tiền lệ
Tesla không phải là nạn nhân duy nhất của cuộc chiến sao chép ở Châu Á. Chiếc Wind X7 ở Trung Quốc là một phiên bản sao chép y xì đúc của Range Rover Evoque năm 2015. Giám đốc của Jaguar Land Rover, Ralf Speth đã than vãn rằng ông đã hoàn toàn “bất lực” trong việc ngăn chặn X7 vì luật Trung Quốc không bảo vệ sở hữu trí tuệ của thiết kế ô tô. Chiếc X7 chỉ có giá 21.288 USD trong khi chiếc Evoque có giá tới 60.654 USD. Tính đến nay, hơn 5.500 người đã đặt mua chiếc X7.
Vậy thì cơ hội thành công của các công ty sao chép lớn đến đâu? Joe Dematio, phó tổng biên tập tạp chí ô tô Road & Track cho biết khả năng này lớn hơn nhiều chuyên gia nghĩ. “5 năm trước, chẳng ai nghĩ Tesla có thể thành công như hiện nay. Giờ thì hãng xe này đang làm mưa làm gió ở khắp nơi. Chẳng có lý nào mà các công ty Trung Quốc không thể làm được điều tương tự”, ông nói.
Trong khi đó, John Voelcker, biên tập viên cao cấp của tạp chí Green Car Reports lại tỏ ra thận trọng hơn. “Với nguồn vốn và nhân lực hùng hậu, cộng với một chút may mắn, người Trung Quốc có thể làm được như Tesla. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ điều này. Họ không hiểu điều cần để xây dựng một công ty ô tô từ con số không và giúp nó trường tồn. Đây là một thử thách khó khăn. Lần gần nhất một công ty làm được điều này là hãng xe Chrysler lừng danh của Mỹ vào năm 1924”, ông nói.
Nhiều người cho rằng Tesla sẽ trở thành Chrysler tiếp theo. Nhưng để làm được điều đó, công ty của Elon Musk phải chinh phục được Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Đây là điều Elon Musk đang gắng sức để làm. Khi Tesla bắt đầu mở bán Model S ở Trung Quốc vào mùa xuân, hãng đã xây 52 trạm sạc siêu nhanh ở 20 thành phố và phát triển một mạng lưới 800 trạm sạc ở các trung tâm thương mại, khách sạn và nhà hàng ở hơn 70 thành phố của Trung Quốc. Bất chấp nỗ lực này, doanh số của Tesla vẫn rất ảm đạm. Năm ngoái, Tesla chỉ bán được 3.500 xe ở Trung Quốc, kém xa doanh số của các đối thủ bản địa như BYD và BAIC. Với tốc độ này, mục tiêu bán 500.000 xe của Musk ở Trung Quốc vào năm 2025 dường như quá xa vời.
Lý do chính là ô tô của Tesla được gắn mác “hàng xa xỉ” ở Trung Quốc, và bán với cái giá khá chát là 120.000 USD. Chính sách miễn thuế hào phóng của Trung Quốc dành cho ô tô năng lượng sạch chỉ áp dụng cho các hãng xe bản địa. Số tiền trợ giá của chính phủ dành cho ô tô chở khách chạy điện, dao động từ 5.700 - 9.800 USD/xe. đã giúp giảm giá ô tô điện của Trung Quốc nhiều hơn nữa. Rõ ràng, đây là một lợi thế không nhỏ cho các hãng xe Trung Quốc.
Elon Musk cho biết ông muốn xây một nhà máy ở Trung Quốc trong vài năm tới, một động thái chiến lược nhằm giảm giá Model S. Vấn đề là khi các hãng xe đua nhau sao chép Tesla, Elon Musk khó có thể đợi đến khi nhà máy của mình được xây xong. E rằng đến lúc đó, những chiếc ô tô điện của các công ty sao chép đã tràn ngập trên thị trường mất rồi.
Mỉa mai thay, chính Tesla là người khơi mào cho cho cuộc đua sao chép này. Quan điểm vì lợi ích của môi trường và chính sách công khai công nghệ của Tesla đã kích thích các công ty sao chép mọc lên như nấm. Phát biểu tại Hội nghị ô tô thế giới ở Detroit vào năm ngoái, Elon Musk đã giải thích lý do đằng sau chính sách chia sẻ công nghệ với toàn ngành ô tô của Tesla. “Môi trường sẽ chỉ hưởng lợi khi các công ty ô tô lớn dám chấp nhận rủi ro để sản xuất ô tô điện. Tôi hy vọng họ có thể làm điều đó. Chúng tôi rất vinh hạnh khi đóng góp công sức vào công cuộc cải thiện môi trường”, ông nói.
Điều mà Musk không lường trước là những start-up Trung Quốc, với tiền bạc và nhân lực dồi dào có thể sao chép sản phẩm của Tesla và thách thức vị thế của công ty. Rất có thể một ngày nào đó, “Iron Man” Elon Musk sẽ phải hối tiếc vì đã “nhân từ” với các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Trí Thức Trẻ