Bộ Ngoại giao Trung Quốc: tàu công vụ đâm tàu cá Việt Nam là hành động chấp pháp bình thường (!?)

VietTimes — Theo tin đưa trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc 19h23 phút ngày 3.1.2019, chiều cùng ngày, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Lục Khảng đã nói như trên khi trả lời của một phóng viên không được nêu là của cơ quan truyền thông nào.
Tàu cá QNg90440TS của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng nặng ở vùng biển Hoàng Sa ngày 22.3.2018. Ảnh: báo Thanh Niên
Tàu cá QNg90440TS của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng nặng ở vùng biển Hoàng Sa ngày 22.3.2018. Ảnh: báo Thanh Niên

Nguyên văn thông tin được đăng tải như sau:

Hỏi: Phía Việt Nam  nói, tàu cá của Việt Nam nhiều lần bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va ở vùng biển quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), cá mà họ đánh bắt được thì bị phía Trung Quốc lấy đi. Ông có bình luận gì về việc này? Chuyện này đã xảy ra bao nhiêu lần rồi? Lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc thực thi ở Nam Hải (tức Biển Đông) cũng được đồng thời áp dụng với các tàu đánh cá của các nước khác tác nghiệp trong khu vực. Cách làm đó của Trung Quốc căn cứ vào đâu?

Lục Khảng trả lời: “Về vấn đề thứ nhất, căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường.

Trên thực tế, theo tình hình chúng tôi nắm được, các ngành liên quan hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ liên lạc bình thường trong vấn đề chấp pháp nghề cá. Tôi đề nghị “Thời báo Tài chính” ngoài việc để ý đến những vụ tranh chấp nghề cá cá biệt, có thể quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác tốt đẹp về nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt là khi xảy ra tình hình khẩn cấp, nguy cấp trên biển; hai bên cũng đều giành cho ngư dân của đối phương nhiều cứu trợ. Những sự việc như thế nhiều hơn nhiều so với tình hình cá biệt mà bạn vừa mô tả.

Còn về việc ngừng đánh bắt mà bạn nói đến, từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn thực thi mùa nghỉ đánh bắt trên Nam Hải (tức Biển Đông), điều này có lợi cho việc nuôi dưỡng, phát triển nghề cá hải dương. Chúng tôi cũng mong muốn tất cả các nước liên quan cùng hành động với Trung Quốc ; thực hiện nghĩa vụ của các nước ven biển theo luật quốc tế, trong đó có Công ước biển của Liên hợp quốc, cùng nhau thúc đẩy phát triển nghề cá ở Nam Hải (Biển Đông)”.

Theo báo chí Việt Nam, trong năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ tàu của ngư dân ta đã bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi, tấn công khi hoạt động đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc vào các đảo ở Hoàng Sa trú tránh bão.  Những hành động này đã bị Hội nghề cá Việt Nam và người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối.