Đặc biệt, một số DN như TCT Giấy Việt Nam, TCT Thiết bị y tế Việt Nam… là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định.
Việc Chính phủ ban hành nghị định 81/2015 quy định các DNNN phải công bố thông tin đầy đủ (chiến lược phát triển DN, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm cảu doanh nghiệp, báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, tình hình lương thưởng…) không nằm ngoài mục đích minh bạch hóa, tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khối nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang “ngại” công bố thông tin. Có những đơn vị chỉ gửi báo cáo Bộ chủ quản, một số gửi cho Bộ KH & ĐT nhưng không đầy đủ và thường rất chậm.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ, tính đến 20/9/2016, trong số 31 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết các DN chưa thực hiện công bố đầy đủ các nội dung theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, một số DN như TCT Giấy Việt Nam, TCT Thiết bị y tế Việt Nam… là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, chỉ có duy nhất TCT Quản lý bay Việt Nam là đơn vị thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc công bố thông tin theo quy định (7/7 báo cáo đến thời hạn công bố).
Bên cạnh đó, chỉ có 10/31 doanh nghiệp (tương ứng 19%) thực hiện việc công bố báo cáo tài chính năm 2015. Trong số 6 Tập đoàn kinh tế, mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố BCTC công ty mẹ và hợp nhất; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam công bố BCTC hợp nhất 2015 (chưa có BCTC riêng của công ty mẹ); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) công bố BCTC riêng của công ty mẹ năm 2015 (chưa có BCTC hợp nhất); Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố BCTC 2015 trước kiểm toán ( chưa có BCTC riêng của công ty mẹ); 2 Tập đoàn là Điện lực Việt Nam (EVN), Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015 (bao gồm BCTC riêng của công ty mẹ và hợp nhất ) theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Một số Tổng công ty lớn như Đường sắt Việt Nam, Vinafood 1, Công nghiệp tàu thủy, Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Mobifone cũng chưa thực hiện công bố BCTC 2015. Chỉ có 2 đơn vị là TCT Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và TCT Bảo đảm an toàn hằng hải Miền Nam đã thực hiện đầy đủ việc công bố công khai các BCTC năm 2015 theo quy định.
Có thể nói, hiệu quả của việc các Tập đoàn, TCT Nhà nước công bố thông tin công khai là điều không phải bàn cãi, các doanh nghiệp này sẽ phải cân nhắc, thận trọng trong các vấn đề như lương thưởng, đầu tư, hay kế hoạch kinh doanh… bởi theo quy định, những việc như vậy sẽ buộc phải công khai và chịu sự giám sát chung của xã hội.
Bàn về chế tài đối với những đơn vị chậm công bố thông tin, một chuyên gia kinh tế cho biết, tuy Nghị định 81/2015 có quy định về thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ KH&ĐT không muộn hơn 31/3 của năm liền sau năm báo cáo nhưng có rất ít các đơn vị tuân thủ đúng theo quy định này, vì vậy cần có những chế tài rõ ràng với người đứng đầu của những đơn vị cố tính chậm chễ trong việc công bố thông tin.
Đồng thời, nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc cổ phần hóa, bởi khi đó các DN sẽ phải chịu áp lực công bố từ cổ đông và thị trường. Như vậy, các Tập đoàn, TCT Nhà nước này mới thực sự thay đổi, cạnh tranh, tồn tại và phát triển được.